Bởi lẽ, sau thời gian dài ảnh hưởng vì dịch Covid-19, đội tuyển Việt Nam mới trở lại thi đấu tại TP.HCM, nên áp lực giành chiến thắng đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ phương Nam là có thật và thậm chí là rất lớn, dù đây chỉ là 1 trận đấu giao hữu trong ngày FIFA Day.

Công Phượng khi trả lời phỏng vấn báo chí ở buổi tập ngày 29/5 thay mặt đội tuyển Việt Nam khẳng định không phải vì tính chất là một trận giao hữu mà thi đấu dưới sức mình trước Afghanistan. Mục đích cống hiến, mang đến cho người hâm mộ một trận đấu hấp dẫn chính là lý do để Công Phượng cùng các đồng đội vào sân với tinh thần chiến đấu và quyết tâm cao khi gặp Afghanistan. Đã lâu lắm rồi đội tuyển Việt Nam mới có cơ hội thi đấu tại sân vận động Thống Nhất, đón nhận tình cảm yêu thương, sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ. Chính vì thế, tự bản thân mỗi cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đều cảm thấy vui và vinh dự khi nhận được sự cổ vũ, động viên từ đông đảo khán giả nhà. Thi đấu cống hiến, mang chiến thắng về cho CĐV, đó là cách đội tuyển Việt Nam hướng đến và sẽ thực hiện khi gặp Afghanistan.

Ý nghĩa tinh thần là như thế, còn về chuyên môn, đây là cơ hội hiếm hoi để HLV Park Hang Seo tiến hành những thử nghiệm thật sự về nhân sự cho chiến dịch AFF Cup 2022. Từ nay đến cuối năm, đội tuyển Việt Nam không còn những cơ hội thi đấu giao hữu, thử nghiệm nhằm đúng dịp FIFA Days như thế này. Trận giao hữu gặp Afghanistan đến đúng lúc thầy Park vừa mới bàn giao công tác huấn luyện ở đội U23 cho người đồng hương Gong Oh Kyun còn mình chuyên tâm cho nhiệm vụ duy nhất là đội tuyển Việt Nam với mục tiêu quan trọng nhất là đòi lại ngôi vô địch Đông Nam Á từ tay người Thái. Đối thủ không quá mạnh, đội tuyển Việt Nam lại có lợi thế được chơi trên sân nhà và cái chính là áp lực thành tích không đáng kể, vậy thì hãy tin chúng ta sẽ được đón nhận một kết quả thi đấu tích cực nhất, đó là chiến thắng.

het-minh-theo-cach-cua-doi-tuyen-viet-nam-1653961656.jpg
Trận giao hữu với Afghanistan là cơ hội tốt để thầy Park thử nghiệm các nhân tố mới.
Ảnh: VFF

Không có Bùi Tiến Dũng, cũng chẳng còn sự hiện diện của Tuấn Anh hay Xuân Trường nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn còn đó những cái tên quen thuộc đã từng làm nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia tại nhiều giải đấu lớn như Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Văn Thanh, Tấn Tài, Hùng Dũng, Hoàng Đức, Quang Hải, Tiến Linh, Công Phượng… Thế nên, sức mạnh tổng thể của đội tuyển Việt Nam không hề suy yếu và cùng với sự góp mặt của những nhân tố mới như Adriano Schmidt, Đình Khương, Ngọc Quang, Thái Quý. Đội tuyển Việt Nam vì thế có đủ thực lực để triển khai lối đá sở trường, cộng với ý đồ áp đặt tấn công hay thử nghiệm ở một số thời điểm cụ thể trong trận đấu như mong muốn của Ban huấn luyện.

Từ phía HLV Park Hang Seo, dù áp lực thành tích không có, sức ép từ giới chuyên môn cũng như dư luận đã được ông giũ bỏ sau trận chung kết SEA Games 31 cách đây ít lâu nhưng chính thầy Park đang và sẽ tự tạo ra áp lực cho bản thân. HLV Park Hang Seo đã tuyên bố rõ ràng rằng mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là lấy lại vị thế số 1 Đông Nam Á tại AFF Cup 2022 nên ngay từ bây giờ ông và các học trò của mình phải chuẩn bị tinh thần, sức lực cũng như chuyên môn cho sân chơi khu vực.

Thêm nữa, đề xuất tạo điều kiện cho cậu học trò cưng Hoàng Đức sang nước ngoài thi đấu, cụ thể là Nhật Bản hoặc Hàn Quốc mà ông đưa ra được tiết lộ trên truyền thông mới đây vô hình trung làm nảy sinh áp lực cho chính HLV Park Hang Seo. Cho dù đó có thể là ý tốt mà thầy Park dành cho cá nhân Hoàng Đức cũng như bóng đá Việt Nam trước khi ông kết thúc hợp đồng vào cuối tháng 1/2023 nhưng bàn chuyện đi, ở, hợp đồng của một cầu thủ ở CLB vốn dĩ không phải là phần việc của một HLV trưởng đội tuyển quốc gia.

Hay đó là phong cách, “style riêng” của HLV Park Hang Seo?