Hùng (tên các nhân vật trong bài đã được đổi) bạn cùng quê với tôi, sinh viên năm 3 một trường đại học, có “máu” cá độ bóng đá, mấy năm nay, cha mẹ Hùng khổ sở vì phải mang tiền lên trả nợ tiền thua độ cho con. Cách đây 1 năm, Hùng thua mấy trận bóng cá độ, tổng cộng gần 50 triệu đồng. Sau khi được cha mẹ phải oằn lưng trả nợ, Hùng hứa sẽ sửa chữa lỗi lầm, từ bỏ cờ bạc, chú tâm học hành. Thế nhưng, chứng nào vẫn tật nấy, Hùng không những không từ bỏ mà ngày càng lún sâu vào cá độ bóng đá, lô đề, cùng các loại hình cờ bạc khác.
Vừa hết World Cup 2022, không những xe máy, điện thoại, laptop không cánh mà bay, Hùng còn nợ 40 triệu đồng. Hôm rồi, Hùng than với tôi: “Đen đủi quá bạn à, đánh trận nào thua trận đó! May mà tôi chỉ chơi có mỗi trận từ 5-7 triệu đồng, chứ chơi đậm vài chục triệu chắc tiền thua phải lên tới mấy trăm triệu...”. Tôi hỏi tính sao với số tiền nợ gốc và lãi của 40 triệu đồng kia? Hùng chua chát bảo: “Thì chẳng còn cách nào khác, ngoài việc phải “báo nhà”!”. Khi biết số tiền lãi mà Hùng phải trả là 5.000 đồng/1 triệu/ngày, nghĩa là mỗi ngày phải trả 200.000 đồng tiền lãi. Tôi bảo Hùng nên thông báo cho cha mẹ biết khoản nợ càng sớm càng tốt, để cha mẹ “cứu” chứ bạn bè chẳng ai có thể giúp được. Hơn nữa, tôi sợ trong lúc túng quẫn lo nghĩ, Hùng sẽ làm làm những điều dại dột, chẳng hạn như đi cướp của để trả nợ thì cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt, khó có cơ hội sửa chữa, làm lại... Tôi cũng khuyên Hùng nên từ bỏ cờ bạc để chú tâm học hành, nghĩ tới tương lai, chứ suốt ngày đỏ, đen như vậy sẽ khổ sở..., và nếu sau lần này mà cậu ta không đoạn tuyệt với cờ bạc, với cá độ bóng đá thì có lẽ chính cha mẹ Hùng cũng không thể cứu giúp được nữa.
Thông qua Hùng, tôi biết Thành, sinh viên năm 2 một trường đại học danh tiếng, quê ở một tỉnh miền Trung, vì gia đình có điều kiện kinh tế nên mức độ đánh cá mỗi trận bóng của cậu ta lên tới chục triệu trở lên, chứ không cá theo kiểu cò con. Hùng cho biết: “Mới học được 2 năm mà thằng Thành đã “đốt” cỡ 600 triệu vào cá độ bóng đá! Riêng mùa World Cup mới rồi, nó thua cỡ gần 300 triệu!”.
Có thể 300 triệu đồng mà thằng con “phá gia chi tử” kia “đốt” trong mùa World Cup 2022 không quá lớn so với khối tài sản của cha mẹ! Thế nhưng, cho dù gia đình có giàu cỡ nào, tiền nhiều cỡ nào, mà Thành vẫn cứ ham mê cờ bạc thì cũng “tán gia bại sản”,...
Đúng là sau kì World Cup với quá nhiều trận có kết quả bất ngờ, rất nhiều gia đình phải mang tiền trả nợ cho con. Sau trận chung kết 3 ngày, tôi đã thấy đôi vợ chồng tuổi khoảng ngoài 40, với khuôn mặt mệt mỏi, đứng ở đầu con hẻm nhà tôi, hỏi thăm phòng trọ của Nhuận, con trai họ. Thì ra con trai của họ thuê kế sát phòng của tôi. Lúc đó Nhuận đi vắng, nên tôi mời cô chú vào phòng tôi ngồi chờ. Qua trò chuyện, mẹ Nhuận cho biết, cô chú quê ở tỉnh Khánh Hoà, cách TP Hồ Chí Minh cả mấy trăm cây số nhưng đây là lần đầu họ tới thành phố. Bố Nhuận buồn buồn kể: “Chẳng giấu gì cháu, cô chú lên thành phố lần này, việc xem nơi ăn chốn ở của Nhuận chỉ là phụ, việc chính là trả nợ cho nó. Cách đây vài hôm nó gọi điện về thống báo bị mắc nợ lãi của xã hội đen tới 30 triệu đồng, do thua độ bóng đá! Nghe nó “thông báo”, cô chú rụng rời chân tay, không nghĩ nó hư hỏng đến vậy...”.
Ở cạnh nhau hơn năm, tôi thấy Nhuận rất hiền, không ngờ cậu ta lại sa vào trò cá độ nguy hiểm đó. Bố mẹ Nhuận cho biết, để lo đủ 30 triệu đồng, cô chú ấy phải bán lúa, sắn, 1 con lợn, và vay mượn thêm mới đủ, chứ nhà nông lấy đâu ra sẵn tiền...
Chẳng riêng gì chuyện thua cá độ bóng đá rồi phải “báo nhà” như Hùng, Thành, Nhuận mà tôi chứng kiến, mùa World Cup qua đi, tôi dám chắc sẽ còn có rất nhiều sinh viên ham trò cá độ cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Sinh viên là những người chưa làm ra tiền, còn ăn bám cha mẹ, vì thế nếu lỡ chơi cá độ, cờ bạc, ngoài các vật dụng như xe máy, điện thoại, máy tính... đem cầm cố, bán lấy tiền để chơi nợ, hoặc đi vay “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ, để thoả mãn cơn khát bạc! Khi thua, càng gỡ càng dấn sâu vào nợ nần; các chủ nợ thúc ép, đòi rát mặt, thậm chí là dọa đánh đập, “cắt gân”, “xin tí tiết”,... chẳng còn cách nào khác là cầu cứu cha mẹ! Vẫn biết rằng chẳng cha mẹ nào bỏ con, thấy con hoạn nạn mà không cứu giúp, nhưng nếu con cứ 5 lần, 7 lượt “báo nhà”, liên tiếp phạm sai lầm, không từ bỏ cờ bạc thì cha mẹ nào chịu thấu?!. Một khi cha mẹ đã quá chán, đã phó mặc, từ bỏ thì cuộc đời của những đứa con có máu cờ bạc kia coi như... chấm hết(!)
Cờ bạc, dù với bất cứ loại hình nào cũng rất nguy hiểm, hậu quả nó mang lại quá ghê gớm, đớn đau, làm khổ cha mẹ, người thân. Hơn ai hết, sinh viên - những tri thức trẻ hãy nhìn nhận thấu đáo, biết nghĩ suy để không bao giờ dính vào tệ nạn cá độ nói riêng và các loại hình cờ bạc khác nói chung!
Theo Đặng Đức - ngaymoionline.com.vn