Chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho công nhân
Sau bữa sáng, kỹ sư Đoàn Văn Quế (SN 1980, ở TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) liền ra công trường bắt đầu ca làm việc. Vừa ra đến công địa, điện thoại reo lên, màn hình hiện tên danh bạ "vợ".
Cảm thấy lạ, bởi bình thường giờ này vợ đang trên đường đến trường. Anh Quế vội vàng cầm máy thì bên kia không nói gì, gặng hỏi thì chỉ nghe tiếng vợ khóc rấm rứt.
Biết ở nhà đang có chuyện, anh điện về nhờ hàng xóm sang xem, nhưng cửa lại khóa trái bên trong. Gọi mãi mới biết vợ anh Quế bị sốt, không dậy được khỏi giường để mở cửa, giọng khàn nói không thành tiếng.
Nghe vậy, anh vội quay về phòng điều hành, xin chỉ huy cho về nhà gấp. Sau khi biết chuyện, anh Quế được cấp trên dùng xe riêng chở về nhà ngay sau đó.
Về đến nhà, vội đưa lên viện khám thì anh Quế mới biết là vợ mình bị Covid-19. Biết tin, lãnh đạo công ty liền gọi điện thăm hỏi, động viên. Đơn vị cũng nhất trí cho anh nghỉ phép 1 tuần ở nhà chăm vợ vì biết hoàn cảnh gia đình anh còn 2 con nhỏ. Trong khi đó, bên nội chỉ còn mỗi ông, bên ngoại thì còn bà tuổi cao, ở tận Đức Thọ…
Đó là một trong nhiều kỷ niệm mà kỹ sư Quế nhớ mãi từ khi bắt đầu thi công gói thầu XL04, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đến nay. Sự việc xảy ra vào đầu tháng 4/2022.
Anh Quế xúc động: Gần 20 năm làm nghề, công trình xa nhà nhất là ở Năm Căn, Cà Mau. Dù đã quá quen với cảnh xa vợ và 2 con nhỏ (1 cháu 7 tuổi, 1 cháu 5 tuổi) nhưng bù lại là ở đâu, công trình nào anh cũng luôn được cấp trên, đồng nghiệp quan tâm và tận tình giúp đỡ.
Ngồi bên cạnh, kỹ sư Trương Quang Long - Chỉ huy công trường của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn kể thêm: Lúc đó mọi người vừa vào ca thì thấy anh Quế chạy hộc vào, vừa khóc vừa trình bày.
Tôi nói, để anh lái xe chở về nhà cho nhanh, đi xe buýt phải mất 2 chặng, lâu lắm. Các anh em khác cũng gác việc, phụ giúp sắp xếp đồ đạc, đồng thời động viên Quế cứ an tâm chăm sóc vợ, công việc ở công trường đã có mọi người lo giúp.
Nói rồi anh Long đưa chúng tôi sang nhà ăn của anh em công nhân. Anh kể: Trên công trường, có thời điếm lên đến cả trăm cán bộ, kỹ sư và công nhân. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách. Là chỉ huy, mình phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh em để điều hành phù hợp hay động viên kịp thời.
“Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao nhất, không chỉ cần tiền bạc, máy móc. Điều cốt yếu nhất vẫn là con người. Thời nay làm công trình giao thông, lương không còn cao như nghề khác, mà lại thường xuyên xa gia đình thời gian dài. Vì vậy công ty luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để anh em an tâm gắn bó, lâu dài”, anh Long nói.
Vào bếp, nhìn hai “cô nuôi” làm cơm cho các kỹ sư, công nhân khiến nhiều người phải tấm tắc. Bữa trưa nay có cá sốt cà chua, thịt bò xào mướp đắng, trứng rán, rau muống xào tỏi và canh. Tất cả đều mới được mua từ chợ về, còn tươi rói.
Vừa rửa cá, chị Tạ Thị Hương vừa cho biết: Thời điểm đông nhất có đến 42 người ăn, còn hiện tại có khoảng 25 - 30 người. Buổi sáng thì có cơm rang, mì tôm, phở, còn buổi trưa và buổi tối thì tùy vào tình hình để chế biến. Thực phẩm đều được mua tươi ở chợ, ăn trong 1 bữa và các buổi không trùng lặp nhau.
Ngoài ra, ban đêm thì có mì tôm, thi thoảng còn nấu cháo gà, cháo vịt. Những ngày lễ thì công ty có thưởng nên bữa ăn đặc biệt hơn. Còn về nước uống thì có trà, chè xanh, nước lọc… ngay cả nước để rửa và nấu ăn cũng là nước sạch được công ty mua về.
Được biết, tiêu chuẩn ăn uống của kỹ sư, công nhân Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Sơn là 60.000 đồng/ 1 người/ 1 ngày.
Theo tìm hiểu của PV, đây cũng là hình ảnh chung tại các đơn vị thi công Dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu. Tại gói thầu XL02, Liên danh Vinaconex với Tập đoàn xây dựng Miền Trung thuê hẳn trụ sở của 1 công ty trên địa bàn để làm nhà điều hành và ăn ở cho công nhân.
Còn với các đơn vị thi công tại các vị trí rừng núi như Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Đèo Cả, Binh đoàn Trường Sơn…, lán trại đều được xây dựng kiên cố, khang trang, có điều hòa, nóng lạnh chẳng khác gì nhà công vụ. Ngoài ra, các đơn vị đều lắp đặt wifi để anh em kỹ sư, công nhân liên lạc được với gia đình thuận tiện hơn. Đó cũng là tiền đề để mọi người an tâm làm việc hơn khi lâu ngày không về nhà.
Thiếu tá Nguyễn Thiện Tuyên - Đại Đội phó, Công ty Xây dựng 384 (thuộc Binh đoàn Trường Sơn) cho biết: Trừ một số người ở gần thì về nhà, còn trung bình có 30 - 35 người ở tại lán. Tiêu chuẩn của mỗi kỹ sư, công nhân là 50.000 đồng/ 1 người/ 1 ngày. Tiền ga, nước, gia vị… được công ty hỗ trợ nên các bữa ăn đều rất thoải mái. Chưa kể, anh em còn tranh thủ trồng rau, nuôi gà, vịt để bổ sung thêm cho bữa ăn.
“Mặc dù là đơn vị kinh tế, trừ một số lái xe là thuê thêm, còn lại phần lớn là quân nhân. Các sinh hoạt khác cũng đều tuân theo quy định của đơn vị quân đội. Ngoài ra, hàng tuần, tháng đều có những hoạt động sinh hoạt, giao ban, học tập Nghị quyết của Đảng, phổ biến kế hoạch mới của công ty”, Thiếu tá Tuyến nói.
Thi đua để đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ
Những ngày cuối tháng 4/2022, chạy dọc dự án thi công đường Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, PV ghi nhận khung cảnh thi đua lao động, sản xuất. Hàng trăm mũi thi công với cả ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc hiện đại làm việc khẩn trương, nhộn nhịp. Cả tuyến dài 50km đâu đâu cũng bắt gặp xe vận chuyển vật liệu, máy lu, máy múc…
Có vị trí nhà thầu đã đắp xong đất K98, tập kết hàng vạn khối base để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn làm cấp phối đá dăm. Nhiều cầu cống cũng đã xong phần hạ bộ, thậm chí cầu Quỳnh Lưu cũng đã lao lắp xong dầm, đang chuyển sang thi công mặt cầu, vượt tiến độ đề ra.
Tại hầm Trường Vinh, dù đã 22h30’ đêm nhưng ngọn núi Mồng Gà vẫn sáng trưng đèn. Ở cả hai đầu hầm, hàng chục kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Sơn Hải và Tập đoàn Đèo Cả vẫn miệt mài làm việc.
Hầm Trường Vinh thuộc gói thầu XL01, với tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Hầm nối thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) với thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) với tổng chiều dài lên đến 450m. Đây là một trong những hạng mục dự án hầm quan trọng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Hầm được khởi công từ tháng 7/2021, sau hơn 8 tháng thi công liên tục, đến ngày 28/4, đã thông ống hầm bên trái. Dự kiến đến giữa tháng 5 sẽ thông ống hầm còn lại.
Theo đại diện của Tập đoàn Sơn Hải và Tập đoàn Đèo Cả: Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT. Đồng thời là kết quả thi đua lao động sản xuất của toàn thể cán bộ, kỹ sư và công nhân trên công trường. Kể từ ngày khởi công cho đến nay, cả 2 tập đoàn đã thực hiện thi công 24/24h, xuyên lễ và Tết.
Trong khi đó, tại gói thầu XL02, XL03, XL04 của dự án, không khí thi đua lao động cũng không kém phần.
Thiếu tá Nguyễn Thiện Tuyên - Đại Đội phó, Công ty Xây dựng 384 (thuộc Binh đoàn Trường Sơn) cho biết: Bên cạnh việc huy động các loại máy móc, thiết bị hiện đại để hỗ trợ công nhân, hàng tháng công ty còn tổ chức các phong trào thi đua. Ví dụ như tháng này là thi đua chào mừng ngày giải phóng Miền Nam 30/4, sắp tới sẽ thi đua chào mừng sinh nhật Bác (19/5)…
“Từ các phong trào thi đua, đơn vị sẽ căn cứ sản lượng đạt được để có hình thức khen thưởng hay phê bình. Đơn vị cũng có quỹ riêng để kịp thời động viên những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc”, Thiếu tá Tuyến nói và cho biết thêm: Dự kiến đến 30/7, sẽ đào đắp xong phần nền đường. Cầu cống cũng đã xong phần ngầm, dự kiến nửa tháng nữa là xong hết phần hạ bộ. Hiện Base cũng đang được gấp rút thí nghiệm. Đơn vị đang đặt chỉ tiêu rút ngắn công trình 2 - 3 tháng…
Theo thống kê của Ban QLDA 6, tính đến cuối tháng 4/2022, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu đã thi công đạt giá trị tương đương 1.190/4.395 tỷ đồng (27% khối lượng dự án). Các đơn vị thi công đã đắp được 2,1/6,6 triệu khối đất (tương đương 32%); xử lý đất yếu bằng bấc thấm và giếng cát được 1,2/1,48 triệu mét dài (đạt 81%).
Để tăng tốc đào đắp hiện tại các nhà thầu đã huy động tới 150 lu, hơn 170 máy xúc, máy ủi, phấn đấu 1 ngày đắp được 40.000 m3. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn tất việc đắp nền trước mùa mưa, Ban 6 đang chỉ đạo các nhà thầu phải tiếp tục tăng số máy và mũi thi công./.