Theo đó, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chỉ đạo, tổ chức triển khai một số quy định đối với khu vực "vùng xanh".
Cụ thể, treo bảng thông báo “Vùng xanh” đầu hẻm, đầu đường hoặc khu vực. Tại các con hẻm được lập các chốt chặn, người giao hàng đều dừng ở đầu hẻm để chờ người dân ra nhận. Việc trả tiền và giao, nhận hàng hóa phải được phun, xịt khử khuẩn trước khi giao nhận trong "vùng xanh".
Bên cạnh đó, người giao hàng đều được ghi lại thông tin để phòng có trường hợp yếu tố dịch tễ sẽ thuận lợi cho việc truy vết. Đặc biệt, Sở Công thương đề nghị không cho người lạ, shipper hoặc những người không cư trú trong vùng xanh di chuyển vào bên trong vùng xanh.
Tuy nhiên, Sở này lưu ý, trước khi thực hiện áp dụng "vùng xanh" phải thông báo và lấy ý kiến của người dân tại khu vực đó, nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân tham gia.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Sở Công thương cũng đề nghị thành lập nhóm Zalo để liên lạc phân sản phẩm hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thành lập các nhóm thanh niên tình nguyện hoặc Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng trong vùng để vận chuyển hàng hóa từ chốt kiểm tra tới các hộ dân, với điều kiện thành viên nhóm này phải có kết quả test kháng nguyên âm tính trong 72h.
Trước đó, Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cũng đã có văn bản hướng dẫn nhận diện shipper khi tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng xe mô tô trên địa bàn.
Theo đó, các shipper trong quá trình lưu thông phải đảm bảo các điều kiện để nhận diện, như đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho đội ngũ giao hàng, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính,...
Đặc biệt, phải có bảng tên thẻ cứng, có hình ảnh và xác nhận của doanh nghiệp cho từng người giao hàng, có lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu.