"Ngáp cá, suy hô hấp" kết thúc 8 ngày tự cách ly điều trị Covid-19 tại nhà
Ngày 12/7, Lê Văn Thanh Tùng (37 tuổi, TP. HCM) bắt đầu có triệu chứng dương tính Covid-19 ngày thứ nhất, sốt và rất khó hạ sốt. Anh đã mua các bộ test nhanh để kiểm tra và đã xác định mình dương tính.
Ngay sau khi có kết quả, Tùng cố gắng liên hệ ngay với số điện thoại của HCDC nhưng bất thành. “Có vẻ số lượng ca dương tính đã quá nhiều và khu vực của mình không được hỗ trợ”, Tùng nghĩ vậy và quyết định tự cách ly tại nhà, dùng thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, vitamin C và các lọai thuốc tăng cường đề kháng khác theo tư vấn của những người bạn trong ngành Y.
Hành trình điều trị Covid-19 với Tùng bắt đầu từ đây.
“3 ngày đầu mình sốt nhiều, nhưng cứ sốt thì hạ sốt, uống nhiều nước, tranh thủ xông mũi họng, súc nước muối cổ họng... Đến ngày thứ 7 thì các triệu chứng bắt đầu giảm nhiều, nhưng mình lại bị mất hết vị giác và khứu giác, mình hơi lo nhưng vẫn cố gắng theo dõi đều”, Tùng chia sẻ.
Nhưng đến ngày thứ 8 thì bố mẹ vợ mình bắt đầu có biểu hiện khó thở, mệt mỏi. Tùng bắt đầu tìm mua máy tạo oxi tại nhà để dự phòng. Và chiều tối ngày thứ 8 Tùng đã có máy thở cho ba mẹ ở nhà, nhưng tình hình đã ngày càng nặng hơn.
Tùng nhớ lại, “tối ngày thứ 9 mình bắt đầu bị nặng, suy hô hấp, mình không thở bình thường được, vẫn hít thở, vẫn thấy không khí vào, nhưng có cảm giác phổi đã không còn nhận được oxi, mình thở gấp, như cá trên cạn, há hốc hết cả miệng để lấy không khí vào, nhưng ngộp, cực kỳ ngộp.
Cả nhà quyết định phải nhập viện, gọi xe cấp cứu nhưng rất ít xe nghe máy, cuối cùng BV quận 7 nhận bệnh. “Lúc này mình nhớ nhân viên Y tế đo chỉ số oxi cơ thể mình chỉ còn tầm 80%, mình gần như rất đuối, mất ý thức và không chịu nỗi thêm nữa, lên xe và để cho người ta chở đi đâu thì chở”.
“Theo thống kê 80% ca F0 sẽ tự khỏi, nhưng không ai nghĩ rằng rồi mình sẽ nằm trong 20% trở nặng còn lại. Hãy biết sợ (như mình) và cố gắng giữ 5K, đeo khẩu trang và làm tốt mọi biện pháp để không phải mắc Covid-19”, Lê Văn Thanh Tùng gửi lời nhắn nhủ tới mọi người xung quanh.
Chuỗi ngày đau đớn nhất mới bắt đầu…
Tại BV Quận 7, Tùng được test nhanh Covid-19, chụp hình phổi, làm xét nghiệm PCR và cho nhập viện điều trị. Tùng bảo “chuỗi ngày đau đớn nhất giờ mới bắt đầu”.
Hai ngày đầu tiên khi nhập viện, Tùng không di chuyển được, phổi có cảm giác bị virus tấn công hoàn toàn, chỉ có thể nằm ngửa, thở rất gắt. “Tất cả lúc này là chỉ nằm như vậy, bất kỳ sự di chuyển nào dù là nhỏ nhất, như việc xoay người, ngồi dậy tại chỗ đều là cực hình khủng khiếp, chỉ cần xoay nhẹ người là mất hơi, thở khan ngay, thiếu oxi ngay lập tức, miệng đớp không khí ngay lập tức, phần lưng đau buốt. Mình cứ mê man lúc tỉnh, lúc ngủ chập chờn với xung quanh là rất nhiều bệnh nhân khác, đầy tiếng ồn và sự nóng nực”, Tùng chia sẻ.
Hằng đêm, Tùng đều không thở được, không thể xoay trở mình, đau nhức toàn bộ cơ thể và không thể đi vệ sinh. Tùng kể: “Sự khủng khiếp của việc đi vệ sinh chỉ những ai từng bị mới hiểu. Nhà vệ sinh nằm ở cuối hành lang, mỗi ngày mình chỉ dám đi 1 lần, mỗi lần đều cực kỳ khổ sở, bởi mình không đủ oxi cho việc đi xa. Khi cần đi vệ sinh mình phải chuẩn bị rất lâu, từ việc đôi dép để sẵn, đếm đủ số bước chân mình đi, khi quyết đi là ngồi ngay dậy, đi thật nhanh và trở về giường ngay lập tức sau khi vệ sinh xong. Nhưng hầu như lần nào cũng gục ngã vì thiếu oxi và ngồi thở ngay giữa đường, lòng ngực thắt lại đau buốt, không khí không vô được, thở khan giữa đường một chốc rồi mới bước tiếp được và tiếp tục dốc 10-15 phút rồi mới thở bình thường lại được”.
Đến ngày thứ 3, Tùng bắt đầu được cho thở oxi, nhưng dung tích bình khá nhỏ, chỉ được 2-3 tiếng là hết. Có đêm mình phải gọi bác sĩ thay bình 3-4 lần. Có những đêm bác sĩ báo oxi đã tạm hết, cố gắng để đầu cao, thở và chờ đến sáng sẽ có thêm oxi.
“Có những đêm mình đã nghĩ thôi mình bỏ cuộc, khủng khiếp quá, đau quá, thở rát hết cả người, cơ thể thì đau nhức, mình bỏ cuộc, mình chịu không nổi nữa”, Tùng nhớ lại và cho biết, những lúc như vậy hình ảnh hai đứa con nhỏ đang mong chờ ở nhà lại thôi thúc anh gắng gượng vượt qua...
Sang ngày thứ 4, Tùng báo gia đình xin BV cho mình mang máy tạo oxi tự mua vào hỗ trợ thở, và bác sĩ đồng ý. Từ đêm thứ 4, Tùng bắt đầu có đủ oxi hơn để thở, nhưng tình hình vẫn không khả quan, buộc phải cần sự hỗ trợ của máy thở 24/24, liên tục, nằm dài bất động trên giường. Mọi sự di chuyển dù nhỏ nhất của Tùng lúc này sẽ đều phải trả giá bằng những cơn hụt oxi tối tăm mặt mày và thở dốc vài chục phút.
Và những ngày tiếp đó, vẫn duy trì sự hỗ trợ 24/24 của máy tạo oxi, Tùng đã từng nghĩ rằng cuộc sống mình rồi sẽ phải gắn bó vĩnh viễn với máy thở.
“Tuy nhiên như các BS chữa trị đã từng nói, cứ để cho phổi tự phục hồi, tự phổi sẽ tự tái tạo lại, đến ngày thứ 9 thì mình bắt đầu cảm thấy có sự thay đổi, thi thoảng mình đã ngắt máy, tự thở khi thấy mình có thể, dù thời gian rất ngắn. Thời gian tiếp theo mình đã tự xoay trở cơ thể, đã có thể đi xa hơn vài bước chân nhưng mình vẫn thi thoảng tự kiểm tra tình hình bản thân, đôi lúc mình ra khỏi phòng tự đi lấy nước uống, tự mừng rỡ vì đã có thể quay về giường mà không thở gấp, điều đó có nghĩa phổi mình đang tự làm lành ổn định” Tùng chia sẻ.
Đến một tối Tùng quyết định sẽ ngủ mà không cần máy thở, máy vẫn sát bên, bật sẵn phòng trường hợp khi cần, và anh đã ngủ cả đêm mà không cần máy thở hỗ trợ, và đó là tối hôm qua (28/7).
Mặc dù Tùng vẫn đang tiếp tục điều trị tại BV, song điều đáng mừng là anh đang từng bước phục hồi đầy may mắn và quyết tâm!