Những công dân ở Hà Tĩnh trốn trong thùng xe đông lạnh để về quê đã có những chia sẻ về hành trình "cực chẳng đã" và mong người dân cũng như ngành chức năng thông cảm về việc làm của họ.
 
Quyết định "làm liều" sau gần 3 tháng chỉ ăn mì tôm
 
Ngày 16/9, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tiếp nhận 8 công nhân (3 nam, 5 nữ), đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung xã Khánh Vĩnh Yên. Đây là những công dân của địa phương này làm việc tại các tỉnh phía Nam, trốn về quê trên chuyến xe đông lạnh mà CSGT tỉnh Bình Thuận phát hiện, chặn lại. 
 
 
Lực lượng CSGT tỉnh Bình Thuận phát hiện 15 công dân trốn về quê trên xe đông lạnh, trong đó có 8 công dân của Hà Tĩnh.
 
Những ngày qua, cả 8 công dân trên đều thực hiện nghiêm chỉnh, chấp hành quy định trong khu cách ly.
 
Chia sẻ về cuộc hành hương bất đắc dĩ của mình, anh Nguyễn Quốc Anh (SN 1993, trú xã Gia Hanh, huyện Can Lộc) kể, trước khi dịch bùng phát, anh là công nhân tại TPHCM. Tuy nhiên, dịch kéo dài nhiều tháng không có việc làm, không có lương thực tích trữ, ngoài mì tôm được các nơi hỗ trợ.
 
"Gần 3 tháng chúng tôi chỉ ăn mì tôm. Mấy tháng dịch, chúng tôi đã chấp hành mọi quy định, không ra đường và giữ khoảng cách an toàn nên khá yên tâm, khó "dính" bệnh. Tuy nhiên, nếu tiếp tục ở lại thành phố thì khó khăn quá. Đói quá không chịu nổi nên chúng tôi đã quyết định dồn hết tiền thuê xe để về quê", anh Quốc Anh trần tình.
 
Cũng nhiều lần anh Nguyễn Quốc Anh liên hệ với hội đồng hương trình bày nguyện vọng xin giấy xác nhận để được về quê. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mong muốn của anh chưa được đáp ứng. "Cực chẳng đã" anh và một số người nhắm mắt làm liều.
 
 
Anh Nguyễn Quốc Anh cùng 2 nam thanh niên đi trên xe đông lạnh đã được cách ly sau khi về đến địa phương.
 
Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1990, ở xã Gia Hanh, huyện Can Lộc) từng làm việc tại một quán cơm ở TPHCM. Bình thường, sau mỗi ngày làm việc, chị tá túc luôn tại quán. Tuy nhiên, khi TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, quán hàng đóng cửa, không còn chỗ ăn ở nên chị cùng một số người lên đường về quê.
 
"Thời điểm đó các tỉnh phía Nam bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16. Khi chúng tôi về đến chốt ở Đồng Nai thì lực lượng chức năng yêu cầu quay lại TPHCM. Tôi đã phải ở tạm nhà người quen với hy vọng dịch sớm ổn định sẽ tiếp tục về quê. Tuy nhiên, chỗ này cũng chỉ giúp cho ở nhờ một thời gian. Chờ đợi hơn 3 tháng, tôi không thể tiếp tục ở lại đó được", chị Hà nói.
 
Khổ ải trên thùng xe đông lạnh
 
Ở nhờ quá lâu với nỗi lo sợ mắc Covid-19 thường trực, lại thêm người nhà thường xuyên điện thoại giục về, chị Hà sốt ruột nên lần thứ hai, chị đã cùng một số người thuê xe 7 chỗ để về quê. Lần này, chiếc xe cũng đến chốt kiểm soát ở Đồng Nai thì chủ xe thông báo không qua được.
 
"Lần thứ hai tắc lại ở Đồng Nai, chúng tôi không quay về TPHCM được nữa. Trong khi đó, có người bảo vẫn về được và bố trí cho lên xe tải để qua chốt. Nghe nói thế thì chúng tôi lên, cũng không biết xe chở gì, miễn sao về được vì lang thang ở Đồng Nai, sợ không trụ nổi qua 2 ngày", chị Hà kể.
 
Khi chiếc xe chạy được khoảng 40 km thì lực lượng CSGT tỉnh Bình Thuận đã phát hiện. Chị Hà và 14 người lao động khác ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Trị may mắn được lực lượng chức năng Bình Thuận hỗ trợ đưa về quê.
 
Chị Hà bật khóc, các công nhân cố tìm cách về quê vì không còn lựa chọn nào khác, đều xác định về đến địa phương sẽ nghiêm chỉnh khai báo, thực hiện quy định đi cách ly tập trung.
 
Dù biết việc trốn trên thùng xe đông lạnh để "thông chốt" kiểm soát là vi phạm quy định nhưng những công nhân bất đắc dĩ phải chọn hành trình khổ ải này mong được cộng đồng cảm thông vì hoàn cảnh bức bách. 
 
"Chúng tôi mong những anh em, bạn bè còn ở lại TPHCM bĩnh tĩnh, không chọn cách nguy hiểm như chúng tôi đã làm, cũng mong sao những người mắc kẹt ở vùng dịch, gặp khó khăn, túng quẫn được bố trí cho về quê từng đợt" - chị Hà, anh Quốc Anh cũng bày tỏ. 
 
Theo Đại úy Đặng Sung Túc, cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Can Lộc đang thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung xã Khánh Vĩnh Yên, những ngày qua, 8 công nhân liều lĩnh chui thùng xe đông lạnh đều thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc nhấn mạnh, 8 công nhân này trước khi về gia đình phải chấp hành quy định phòng, chống dịch. Ông Dũng khuyên công dân Hà Tĩnh ở vùng dịch không nên về quê, trừ những trường hợp tỉnh có chủ trương đón về thì địa phương sẽ bố trí sắp xếp để tiếp đón. Những công dân tự ý thuê xe về, ngoài việc bị xử phạt hành chính còn phải chịu toàn bộ mọi kinh phí cách ly phòng dịch.