Một số người khiếm khuyết ở bản làng heo hút dọc dãy Trường Sơn miền tây Quảng Trị thường chấp nhận cuộc sống cô đơn. Nhưng với Hồ Văn Y thì không...
 

 
Gần 3 năm, vợ chồng Y phải sống trong chuồng bò này để nuôi dưỡng yêu thương. Ảnh: Nguyễn Phúc
 
Chàng trai tật nguyền 25 tuổi ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân (H.Hướng Hóa) này bỏ ngoài tai những lời gièm pha kiểu “đã cụt còn… lấy vợ” hay “là thằng đàn ông ở bản phải khỏe mạnh, chứ chân cẳng thế kia…”, để xây dựng tổ ấm.
 
Tiếng nổ oan nghiệt
 
Y sẽ không quên một ngày cuối năm 2012, lên rẫy trồng cà phê cho người bà con trên ngọn đồi. Khi ấy, Y 17 tuổi, khỏe mạnh như bò mộng. Sau nhát cuốc định mệnh, một tiếng nổ chát chúa vang lên… “Khi em tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện, toàn thân đau buốt, nhìn xuống chân phải thấy đoạn từ đầu gối đã không còn… Lúc đó, em biết mình đã là thằng cụt”, Y buồn bã nhớ lại.
 
Từ dạo mất chân, khoảng cách từ xó bếp ra khoảnh sân nhà đối với Y cũng xa xôi không khác gì ngày trước trèo lên ngọn đồi cao. Một phần do tâm lý đè nặng và mặc cảm tật nguyền, không buồn đi. Xóm làng, bạn bè đến thăm hỏi, động viên cũng ngớt dần, chỉ còn Y ngồi một mình, đôi khi có thêm ánh mắt dõi theo buồn rười rượi của cha mẹ.
 
Đó là những tháng ngày Y chỉ biết nằm dài, than thở, mắt hướng lên nóng nhà sàn, đếm những sợi tranh lợp để giết thời gian. “Đến ăn nó cũng không muốn, nữa là cười đùa, làm việc… Nó như con thú bị thương nhưng lại không muốn ai đến gần chăm sóc, chỉ gặm nhấm cơn đau một mình”, bà Hồ Thị Păn, mẹ Y, nhớ lại.
 
Phải mấy tháng sau, Y mới đứng dậy theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là khi những nhân viên chương trình Hỗ trợ nạn nhân chiến tranh/người khuyết tật - Dự án Renew (được tài trợ chính bởi Cơ quan Viện trợ Ireland) của Quảng Trị tìm về thôn Ruộng. Họ thăm hỏi, tỉ mẩn sờ nắn chiếc chân cụt lủn của Y để rồi một tháng sau đó quay lại tặng Y một chiếc chân giả. “Em đã có thể tự đứng lên và bước đi!”, Y hét lên ngay phút đầu được đeo chiếc chân nhân tạo ấy.
 
Từ đó, người dân thôn Ruộng lại thấy Y ra khỏi nhà, bước đi trên những con đường đất mấp mô và nở nụ cười mỗi khi gặp ai đó…
 
Một cái chuồng bò, hai trái tim vàng
 
Xưa, câu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” để ví von sự sắt son của tình yêu đôi lứa. Còn với Y bây giờ, “túp lều tranh” đã được thay bằng “cái chuồng bò”.
 
Chuyện rằng, Y đem lòng thương cô bé hàng xóm Hồ Thị Nga từ khi cô gái 18 tuổi (nay đã 21 tuổi). Nhà của cả hai chỉ cách nhau chưa đầy 100 bước chân. Bản thân Y cũng không ngờ rằng mình lại “phải lòng” con bé Nga ngày xưa đen nhẻm, miệng cười toe toét mỗi lần sang nhà chơi với những đứa em của Y… Vượt qua mặc cảm tật nguyền, Y cầm số tiền ít ỏi lận lưng sau bao năm làm lụng, giúi vào tay bố mẹ, giục họ vay mượn thêm họ hàng để sắm sanh sính lễ, sang nhà Nga “bỏ của” (tức dạm hỏi, theo truyền thống người vùng cao).
 
Nhưng cô bé tuổi 18 đã từ chối, thẹn thùng chạy vụt ra bờ suối Ra Leng, khóc một mình. “Hẳn là cô ấy không muốn lấy một... thằng cụt. Ở bản vùng cao này, một thằng cụt thường không đi rẫy, đi núi, khác gì vô dụng”, Y từng thoáng nghĩ sau cú sốc “yêu đương” đầu đời.
 
Nhưng bất ngờ thay, đúng 2 tháng sau, Nga đổi ý, muốn làm vợ Y. “Cũng không biết lý do vì sao, có lẽ do cô ấy suy nghĩ lại, thương cho tấm chân tình của em. Nhưng điều đó không quan trọng nữa, em có vợ, đó là người em yêu”, giọng Y đầy hào hứng… Rồi đám cưới diễn ra vào năm 2017, tiệc tùng cũng như bao đám cưới khác, nhưng đôi vợ chồng trẻ sớm quay về thực tại và nhận ra rằng đến một mái nhà để ở họ cũng không có.
 
Lúc này, Y ngoảnh lại nhìn chiếc chuồng bò, được xây bằng những viên bờ lô, lợp mái bằng fibro xi măng, vốn là món quà của tổ chức hỗ trợ nạn nhân bom mìn Renew “tặng” cho Y 2 năm trước. Một suy nghĩ lóe lên: cậu “đuổi” lũ bò ra khỏi cái chuồng đó, rồi dọn dẹp đón vợ vào ở. Không nề hà, Nga đã nắm tay Y bước vào cái chuồng bò chật chội, ẩm thấp nhưng ngập tràn hạnh phúc. Chính nơi đây, tình yêu của họ đã đơm hoa, một bé trai kháu khỉnh chào đời…
 

 
Vợ chồng Y với anh Đặng Quang Toàn (cán bộ Dự án Renew) trước ngôi nhà mơ ước
 
Vợ xứng đáng ở trong căn nhà đẹp...
 
Nhiều người dân thôn Ruộng gần đây kháo nhau rằng thằng Y và con Nga rất “hợp mạng”, từ khi về với nhau một nhà, mọi thứ đều rất hanh thông, kinh tế gia đình đi lên chóng vánh. Thực tế, thương vợ con thiệt thòi, dù mang trên mình chiếc chân giả nhưng Y đã làm việc nhiều hơn cả những người lành lặn. Nga cũng hiểu chuyện, lo cơm nước sớm chiều và phụ Y những công việc mà một người khuyết tật thường gặp khó.
 
Lên thăm Y vào một ngày giữa tháng 6, từ đằng xa tôi đã thấy nóc nhà sàn lợp tôn nằm lẫn giữa đám hoa phượng đỏ rực. Sau 3 năm chung sống trong chuồng bò, Y và Nga đã dọn lên nhà ở mới. Có thể xem đó là ngôi nhà sàn đẹp nhất nhì thôn Ruộng bây giờ. Ngôi nhà được gầy dựng từ nỗ lực của vợ chồng chàng trai tật nguyền và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những người bạn ở Dự án Renew.
 
“Khi biết vợ chồng Y đã phải sống trong chuồng bò, chúng tôi rất xúc động nên huy động nhiều nguồn lực giúp dựng lên ngôi nhà mơ ước này. Tôi chỉ dặn Y rằng đừng bao giờ phá bỏ chiếc chuồng bò cũ, để nhắc nhở về thời khốn khổ đến thế mà cả hai vẫn không buông nhau ra”, anh Đặng Quang Toàn, cán bộ Renew, nói.
 
Ngồi trong ngôi nhà sàn chỉ vừa “khánh thành” chừng 1 tuần của Y, có thể nghe thấy tiếng đàn gà và lũ dê kêu chí chóe ở bên dưới. Nga khoe vợ chồng còn có 6 con bò, đang thả ngoài đồng... Dễ hiểu vì sao dân bản gọi vợ chồng Y là “đại gia” chân đất. “Cô ấy đã chọn tôi, một người tật nguyền, cô ấy còn sinh cho tôi một đứa con. Cô ấy xứng đáng được sống trong căn nhà mơ ước này”, Y nói và nhìn về phía vợ bằng ánh mắt trìu mến.