Ngư dân bị hành hạ dã man như thời trung cổ trên tàu cá
Chiều 17/11, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đề nghị Công an tỉnh khẩn trương phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời cùng các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu cá.
Báo cáo của UBND huyện Trần Văn Thời, bước đầu cơ quan chức năng xác định được 3 nghi can và 2 nạn nhân cùng là thuyền viên trên tàu cá mang số hiệu BT 97993-TS.
Cụ thể, trong hai ngày 28 và 30/5, ông Trương Văn Trung (47 tuổi, tỉnh Kiên Giang; tạm trú thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) và ông Lê Văn Bình (30 tuổi, Kiên Giang) đã đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo về việc bị Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi), Nguyễn Công Toàn (34 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi, cùng trú huyện Trần Văn Thời) đánh gây thương tích trên tàu đánh bắt thủy sản BT 97993 TS.
Xác minh cho thấy, ngày 4/1, tàu đánh bắt thủy sản BT 97993 TS của bà Phạm Thị Hà xuất bến ra biển đánh bắt tại cửa sông Ông Đốc. Trong số 7 thuyền viên có Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Công Toàn (tên thường gọi là To, con bà Hà) và Nguyễn Văn Hùng. Ngày 23/5, Trung bị Toàn, Tỵ và Hùng đánh; dùng kìm bẻ răng, bấm vào môi, tay và bộ hạ gây thương tích. Ngày 24/5, Toàn và Hùng đánh Bình với cách thức tương tự.
Đáng chú ý, ông Trung và Bình không yêu cầu xử lý hình sự mà đòi bồi thường tiền thuốc điều trị.
Tối 15/11, hai video ghi lại cảnh ông Trung và Bình bị đánh lan truyền trên mạng, gây xôn xao dư luận. Đoạn clip thứ thứ nhất ghi lại cảnh người đàn ông mặc áo thun xanh, bị 2 người đàn ông khác hành hạ. Họ dùng kìm bấm vào môi, vào ngón tay và cả vào vùng nhạy cảm trên cơ thể. Đoạn clip thứ 2, nạn nhân bị một thanh niên dùng kìm bấm vào tai trái. Người đàn ông bị hành hạ, nhiều lần xin tha nhưng bất thành. Những người xung quanh không có động thái can ngăn mà còn tham gia đánh, hăm dọa nạn nhân.
Bị hại không có đơn trình báo ...vẫn có thể xử lý hình sự
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù người bị hại trong vụ việc trên không có đơn trình báo, vẫn có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác hoặc tội cố ý gây thương tích nếu hậu quả là nghiêm trọng.
Nội dung clip cho thấy có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả xảy ra để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Thông tin từ các cơ quan chức năng, hành vi của các đối tượng không chỉ đánh đập, hành hạ với một người mà có tới hai nạn nhân bị đánh đập hành hạ nhiều lần phải nhiều ngày trên tàu cá này gây ra thương tích. Tuy nhiên, các nạn nhân vẫn chưa có đơn trình báo tố giác tội phạm, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng chưa trình diện với cơ quan chức năng. Bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính của các đối tượng có liên quan.
Hành vi có thể được xác định là có tính chất côn đồ, gây ra cố tật cho nạn nhân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do đó, dù thương tích dưới 11 %, cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và xử lý với nhóm đối tượng này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ thương tích của nạn nhân, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, một điều đáng lưu ý, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự, với tội hành hạ người khác và tội cố ý gây thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng (theo khoản 1) bắt buộc phải có đơn yêu cầu của người bị hại thì cơ quan điều tra mới có thể khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm ở khoản 2 của các tội danh được liệt kê trong điều luật thì không cần phải có đơn yêu cầu của người bị hại, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp có căn cứ xác định có 2 nạn nhân bị hành hạ, đánh đập nhưng vì sợ hãi hoặc do sợ mất việc, sợ bị trả thù mà không dám tố cáo, sau khi xác định được danh tính nạn nhân, xác định có 2 nạn nhân cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác theo khoản 2, Điều 140 Bộ luật Hình sự hoặc tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp nạn nhân không hợp tác, không phối hợp với cơ quan điều tra để giám định thương tích, xác định hậu quả, cơ quan điều tra có thể "dẫn giải" người bị hại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Đây là điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm xử lý triệt để đối với hành vi cố ý gây thương tích nghiêm trọng mà người bị hại không hợp tác./.