Hồng Sơn là vùng đất trồng cây mướp đắng nổi tiếng của huyện Đô Lương, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vụ mướp đắng năm nay của bà con rất khó tiêu thụ. Theo đà thu hoạch, hiện toàn xã có khoảng 300 tấn mướp đắng đang cần được tiêu thụ.

Vụ mướp đắng năm nay gia đình ông Lê Đức Tiến ở xóm 1, xã Hồng Sơn (Đô Lương) trồng hơn 2 sào. Vườn mướp của gia đình được trồng từ tháng 6, đến thời điểm này là chính vụ nhưng mướp không bán được.

Ông Tiến cho biết: “Trước ngày 20/8, khi huyện Đô Lương chưa cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, giá mướp đắng được xuất bán với giá 15 ngàn đồng/1kg. Sau khi cách ly xã hội, mướp rớt giá thẳng đứng, xuống 8 ngàn đồng/kg, rồi 6 ngàn/kg, đến nay giá hạ chỉ còn 4 ngàn đồng/kg, nhưng rất ít thương lái đến mua”. Ông Tiến còn cho biết thêm, đợt vừa rồi mướp của gia đình không có người mua, chín vàng, phải đổ bỏ chất thành 2 đống lớn, ước chừng trên 3 tạ".

Hàng trăm tấn mướp đắng trĩu giàn ở Hồng Sơn (Đô Lương) chờ tiêu thụ
Trước ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ Tướng Chính phủ, vườn mướp đắng của gia đình ông Lê Đức Tiến thu hoạch thường xuyên, giá mướp 15 ngàn đồng/kg. Ảnh: Ngọc Phương

Hiện nay toàn xã Hồng Sơn có khoảng 150 hộ trồng mướp đắng, trong số đó có trên 100 hộ trồng bình quân mỗi hộ trên 1 sào. Tổng diện tích trồng mướp đắng toàn xã 6ha. Đối với người dân xã Hồng Sơn (Đô Lương), cây mướp đắng là loại cây trồng cho thu nhập chính. Bình quân mỗi sào mướp cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Do có kinh nghiệm chăm trồng lâu năm, kết hợp với chất đất phù hợp, nên bình quân mỗi sào mướp cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn. Mướp đắng Hồng Sơn là sản phẩm sạch, người dân thường sử dụng bả sinh học đựng trong chai nhựa để thu hút và diệt các loại sâu bệnh, không phun thuốc sâu - Ông Phạm Ngọc Đỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Thời điểm này, rất ít lái thương đến xã Hồng Sơn mua mướp, nhưng cũng ép giá rất thấp và mua với số lượng hạn chế. Bao công chăm trồng, bón phân, tưới nước khi nắng hạn, nay những dàn mướp quả đang vàng dần trên dàn.

Hàng trăm tấn mướp đắng trĩu giàn ở Hồng Sơn (Đô Lương) chờ tiêu thụ
Mướp đắng ra sai quả trên giàn, nhưng nông dân không muốn thu hoạch vì giá quá thấp; Một xe rùa chất đầy mướp đắng mà không có khách mua. Ảnh: Ngọc Phương

Trước mắt chúng tôi đã giao cho 33 tổ chức Hội Nông dân 33 xã, thị trấn, mỗi tổ chức hội mua giúp bà con 30 kg mướp. Riêng Hội Nông dân xã Tràng Sơn đã đăng ký mua 1 tạ. Nhiều Hội Nông dân xã cũng đã đăng lên các trang mạng xã hội để kêu gọi nhân dân mua mướp đắng.

Ông Nguyễn Công An - Chủ tịch Hội Nông dân Đô Lương