pr0n5538-27042022-1read-only-1650985945653756927016-1651042959.jpg
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức kết quả học bạ tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM - Ảnh: M.G.

Theo thông báo xét tuyển học bạ đợt 1 của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1-1 đến 1-5-2022, dự kiến 20-5 công bố kết quả trúng tuyển. Tuy nhiên, do Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chế tuyển sinh nên trường chưa thể tiến hành xét và công bố điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển như các năm trước.

Dời lịch tuyển sinh

Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết dự kiến trường sẽ dời thời gian kết thúc nhận hồ sơ đến cuối tháng 5 để chờ quy chế chính thức mới có thể thực hiện xét tuyển. Hơn nữa năm nay dự thảo quy chế tuyển sinh có nhiều điểm mới so với năm trước nên trường phải chờ quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT.

Nhiều trường đại học khác cũng buộc phải dời lịch xét tuyển đợt 1 do phải chờ quy chế. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM dời hạn chót nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ ngày 31-3 đến 31-5. Để trấn an thí sinh, trường này giải thích việc gia hạn thời gian nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Bộ GD-ĐT về các phương thức xét tuyển và điều kiện công bố kết quả xét tuyển. Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến hồ sơ đăng ký xét tuyển và kết quả của thí sinh.

Ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết những năm trước, trường có thể chủ động công bố kết quả trúng tuyển cho những bạn đã tốt nghiệp THPT. Năm nay do quy chế tuyển sinh dự kiến đến tháng 5 mới ban hành chính thức nên trước mắt trường gia hạn thời gian xét tuyển trước để xem quy chế chính thức như thế nào rồi mới công bố được.

"Hiện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ theo đề án tuyển sinh đã công bố trước đó nhưng việc xét như thế nào và công nhận kết quả ra sao thì phải theo quy chế tuyển sinh 2022" - ông Quốc Anh nói thêm.

Chỉ tiếp nhận thông tin của  thí sinh

Tính đến sau ngày 20-4, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nhận hơn 40.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức điểm học bạ THPT của thí sinh. Ông Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, tổ trưởng tổ tuyển sinh - cho hay trường sẽ xét tuyển, công bố điểm chuẩn và chuyển thông tin lên cơ sở dữ liệu của bộ. Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sẽ phải đăng ký xét tuyển trên cơ sở dữ liệu chung. Khi nào thí sinh tốt nghiệp THPT sẽ chính thức trúng tuyển vào trường. Việc này bộ cho phép và trường không làm sai quy định.

Tương tự, theo ông Nguyễn Quốc Anh, trong bối cảnh chưa có quy chế tuyển sinh, phương thức xét học bạ hiện tại chỉ là hình thức các trường tiếp nhận thông tin của thí sinh. Trường cũng sẽ thông báo đủ điều kiện trúng tuyển và hướng dẫn những thí sinh này đăng ký nguyện vọng 1 sau khi tốt nghiệp THPT để chính thức trúng tuyển vào trường. Thời điểm này trường nào công bố trúng tuyển, cho thí sinh xác nhận nhập học là sai quy định.

Việc tiếp nhận thông tin xét tuyển của thí sinh giúp các trường phần nào nắm được nhu cầu người học. Tuy nhiên, những quy định mới năm nay sẽ khiến việc chủ động tuyển sinh của các trường bị ảnh hưởng. Trường ĐH Văn Lang kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 vào ngày 29-4. Nếu như mọi năm, trường có thể ước lượng số thí sinh "xác nhận" nhập học, trên cơ sở đó sẽ biết được số chỉ tiêu cần tuyển đợt tiếp theo. Năm nay mọi chuyện không như vậy.

Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang - cho hay trường sẽ thông báo điều kiện trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên việc trúng tuyển chính thức phải chờ quy chế, kết quả thi tốt nghiệp THPT và lọc ảo chung của Bộ GD-ĐT. "Tính chủ động trong tuyển sinh năm nay của trường giảm đi khá nhiều so với các năm trước. Kết quả các đợt xét tuyển sớm của trường cũng phải chờ sau khi bộ lọc ảo. Những năm trước, thí sinh đã tốt nghiệp THPT rồi, xét học bạ có thể được thông báo trúng tuyển và nhập học, năm nay phải chờ để đăng ký xét tuyển trên cơ sở dữ liệu chung, lọc ảo" - ông Tuấn nói.

Liên quan việc xét tuyển sớm của các trường, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT - cho biết dự thảo quy chế đã quy định nội dung thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, trong đó, các cơ sở đào tạo tổ chức nhận thông tin của thí sinh để xét tuyển sớm và thông báo để thí sinh biết đã đạt đủ điều kiện trúng tuyển vào trường hay không (khi chưa có kết quả thí sinh tốt nghiệp THPT).

"Sau khi thí sinh đăng ký trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh (thời điểm sau khi thi THPT đến khi có điểm phúc khảo), theo lịch chung thống nhất của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ đồng thời gửi danh sách thí sinh trúng tuyển theo các phương thức của nhà trường (đã xét tuyển sớm) và kết quả thí sinh trúng tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT lên hệ thống xét tuyển chung để xử lý nguyện vọng, đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên nhất của mình" - bà Thủy nói. 

Giảng viên giữ nguyên, chỉ tiêu tăng gần 30.000

Theo quy định, các trường phải công bố đề án tuyển sinh ít nhất 30 ngày trước khi trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. Tuy nhiên đến nay, nhiều trường đã nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên nhưng lại không công bố đề án tuyển sinh đầy đủ, nhất là danh sách chi tiết đội ngũ giảng viên. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong hai năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020, số lượng giảng viên cơ hữu không tăng thêm người nào nhưng chỉ tiêu tuyển sinh các trường tăng đến gần 30.000./.