Liên tiếp “đập” vỡ kính xe ô tô

Ngày 22/8, anh Nguyễn Trung Toàn điều khiển ô tô theo hướng Nam - Bắc, khi đến trạm thu phí Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (địa phận Đà Nẵng) thì xảy ra sự cố tông thẳng vào barie khiến phần ca pô trước bị hư hỏng.

Theo anh Toàn, dù đã nộp tiền vào tài khoản, số dư còn đủ để qua trạm thu phí nhưng khi anh cho xe vào làn số 4 thì cần barie không mở khiến ôtô của anh tông vào.

Sau khi xảy ra sự việc, tài xế đề nghị lập biên bản hiện trường, yêu cầu đơn vị tại trạm phải bồi thường hư hỏng đối với ô tô của anh.

Lý giải nguyên nhân yêu cầu được bồi thường, anh Toàn cho rằng do lỗi của hệ thống quét đọc thẻ chứ không phải của tài xế. Thời điểm qua trạm, tài khoản của tài xế này còn hơn 18 triệu đồng.

"Khi xe tôi vào làn số 4 thì hệ thống trạm báo nhận. Phía sau xe tôi có nhiều ô tô khác nên tôi cho xe qua trạm. Tuy nhiên, cần barie không mở, tôi không thể xử lý kịp nên tông vào. Hậu quả nắp ca pô xe tôi bị bể, móp méo", anh Toàn cho biết.

hang-loat-o-to-bi-dap-khi-qua-tram-bot-khi-nao-thao-barie-1661483697.png
Barie trạm thu phí ETC không tự động mở nên bị ô tô tông đổ.

Liên quan đến vụ việc, ông Ngô Tấn Đời, kỹ thuật hiện trường Tổ Giám sát - Hậu kiểm Túy Loan (Công ty CP đầu tư công nghệ Thiên Ân) lại cho rằng lỗi này thuộc về tài xế.

Theo ông Đời, khi cần barie không mở, tín hiệu vẫn là đèn đỏ nhưng tài xế vẫn cho xe chạy là lỗi của tài xế, không thể bắt đơn vị đền bù.

Ông Đời cũng cho biết trong biên bản hiện trường, Công ty CP Đầu tư công nghệ Thiên Ân yêu cầu tài xế phải bồi thường do làm hư hỏng hệ thống barie. Tuy nhiên, tài xế này không chấp nhận.

Vụ việc trên khiến nhiều tài xế bức xúc vì đây không phải là lần đầu tiên barie tại các trạm thu phí BOT gây ra thiệt hại cho các chủ phương tiện và việc bồi thường cũng thường bị “đấu tranh” không có hồi kết hoặc kết quả bất lợi cho nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của BOT.

Ngày 4/8, tài xế Phạm Trường Sơn (Phú Yên), lái xe chở hàng Bắc-Nam cũng bức xúc về việc khi điều khiển xe di chuyển xe qua trạm thu phí Cao Bồ thuộc tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng bị barie đập vỡ kính chắn gió.

“Tôi thấy rất bất ngờ bởi xe di chuyển qua trạm đúng quy định, nhưng không hiểu sao barie vẫn sập…”, anh Sơn nói.

Sau khi xảy ra sự việc, nhân viên trạm thu phí Cao Bồ lập biên bản để báo cáo lãnh đạo Trung tâm Điều hành đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đồng thời làm việc với đơn vị cung cấp dịch vụ để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết cho lái xe.

hang-loat-o-to-bi-dap-khi-qua-tram-bot-khi-nao-thao-barie-hinh-2-1661483741.jpg
 Xe qua làn ETC tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị barie tự động đóng thẳng vào kính chắn gió chiều 31/7.

Đây cũng không phải lần đầu xe ô tô bị barie trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình đập vào kính. Trước đó, chiều 31/7, tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội), nhiều tài xế đi ở làn thu phí không dừng phải phanh gấp để tránh barie.

Có trường hợp xác định nguyên nhân là trong tài khoản không đủ tiền, tuy nhiên nhiều tài xế cũng không hiểu vì sao bị chặn lại, trong khi trong tài khoản vẫn còn tiền. Nhiều xe bị thanh chắn hạ xuống bất ngờ và đập vào nắp capo, kính lái.

Tại trạm thu phí đầu vào của cao tốc hướng Hải Phòng - Hà Nội cũng xảy ra sự cố barie đập vỡ kính chắn gió của ô tô vào tối 25/6. Lúc này, ô tô của anh Nguyễn Việt Hoàng (Hà Nội) chuẩn bị vào làn thu phí không dừng thì bị một xe bán tải vượt lách lên từ phía bên phải để vào làn thu phí trước. Khi ô tô bán tải hoàn thành việc quét thông tin thì ô tô của anh Hoàng đi tới dẫn đến thanh barie hạ xuống khiến kính chắn gió của xe bị vỡ. Vụ việc trở nên lùm xùm khi cả đơn vị khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tài xế không tìm được tiếng nói chung để giải quyết sự cố.

Cần phải cải thiện công nghệ

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết, trường hợp các xe ô tô đã dán thẻ, nạp tiền nhưng barie tự động không mở mà đóng thẳng vào kính chắn gió, nắp capo xe tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có 2 nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, qua thống kê xác suất, cơ bản do lỗi khách quan như: các chủ phương tiện chưa dán thẻ; đã dán thẻ nhưng không đủ tiền trong tài khoản; hoặc cũng có chủ phương tiện khi đi vào cao tốc đi theo làn MTC nhưng khi ra lại ra ở làn ETC; một số chủ phương tiện đi vào làn thu phí không làm chủ tốc độ, đi với tốc độ nhanh, không giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện mà nối đuôi nhau di chuyển không đảm bảo được điều kiện khoảng cách các xe phải tối thiểu 8m để hệ thống tự động nhận diện tốt nhất và làm việc hiệu quả, chính xác nhất.

“Vấn đề đảm bảo khoảng cách tối thiểu 8m giữa các phương tiện là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên cũng còn một nguyên nhân khác nữa là do sự kết nối, nhận thông tin của thiết bị và phương tiện chưa đồng bộ. Đối với nguyên nhân này sẽ được thực hiện sửa chữa trong công tác duy tu, bảo trì, lỗi đến đâu sẽ xử lý đến đó”, ông Oánh nói thêm.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng cho biết, việc bỏ hệ thống barie tại các trạm thu phí không dừng cũng đã và đang được Bộ GTVT nghiên cứu. Ở thời điểm phù hợp, barie cũng sẽ được tháo bỏ.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Trường đại học GTVT cho rằng, trước mắt với tỷ lệ phương tiện chưa dán thẻ thu phí không dừng còn nhiều vẫn nên duy trì hệ thống barie. Tuy nhiên, sau khi hệ thống vận hành ổn định và có quy trình giám sát phương tiện tốt chúng ta có thể bỏ barie đi.

"Việc này sẽ tạo sự lưu thông thuận tiện cho các phương tiện khi qua trạm. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý khi qua trạm thì tùy thuộc vào công nghệ nhận dạng phương tiện, các phương tiện vẫn phải tuân thủ biển báo, chỉ dẫn tốc độ, kể cả khi chúng ta không còn barie nữa", chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo nhiều chuyên gia, mô hình bỏ barie tại trạm thu phí không dừng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng vì không chỉ giảm nhân lực mà còn giảm ùn tắc giao thông.

Còn những xe chưa dán thẻ hay không đủ tiền khi qua trạm, các ngành chức năng nên nghiên cứu lộ trình áp dụng các biện pháp phạt nguội, xử lý mạnh các hành vi không chấp hành để từ đó tạo sức răn đe, thể hiện rõ tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông Nguyễn Ân, nguyên cán bộ Vụ Khoa học công nghệ, Bộ GTVT cũng đánh giá, thời gian barie đóng và mở phụ thuộc vào tốc độ xử lý dữ liệu của thiết bị lắp ở trạm và thiết bị ở trung tâm. Hiện tại các trạm thu phí ETC có tốc độ xử lý chỉ khoảng 30km/h, không được phóng nhanh hơn. Các lỗi mà barie không mở lên được là do tốc độ đường truyền hoặc có lỗi trong xử lý từ thiết bị ở trạm.

Theo ông Ân, muốn tiến tới bỏ barie, cần phải cải thiện công nghệ xử lý, hệ thống đường truyền với sự chính xác tới 99%, thời gian xử lý giao dịch phải thật nhanh và cho phép trả sau, tức ghi nợ với các tài khoản không đủ tiền. Xe chạy qua dù tài khoản có tiền hay không thì thiết bị đều ghi lại./.