Cô Ôn, người Đào Viên, Đài Loan (Trung Quốc), có thói quen uống rượu bia. Hơn một năm nay, cô bị tức ngực, cân nặng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ trong một thời gian ngắn đã sụt tới 16kg, điều này khiến cô cảm thấy lo lắng.
Tuy nhiên, nghĩ rằng mình làm việc vất vả, hơn nữa đau tức ngực chỉ là biểu hiện bình thường, cô Ôn không đi khám.
Mãi đến gần đây, cô Ôn suy kiệt sức khoẻ, khó ăn, khó thở, cô mới đi khám và được bác sĩ chẩn đoán là ung thư thực quản giai đoạn 2. Nữ bệnh nhân rơi vào tình trạng hoảng sợ. May mắn được bác sĩ tư vấn, cô Ôn vực dậy tinh thần, tiến hành hoá trị và dùng thuốc điều trị kết hợp. Khi tình hình khá hơn, cô Ôn được phẫu thuật, hiện tại khối u đã biến mất hoàn toàn.
Bác sĩ Hoàng Văn Kiệt - Phó Giám đốc Khoa Ngoại kiêm Giám đốc Khoa phẫu thuật lồng ngực của Bệnh viện Mã Giai cho biết, ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư thực quản, khối u mới hình thành trong thực quản nên không có cảm giác đau vì kích thước nhỏ. Nó cũng chưa ảnh hưởng đến việc nuốt khiến người bệnh khó phát hiện.
Càng về sau, bệnh nhân sẽ càng xuất hiện nhiều triệu chứng hơn như khó nuốt, khàn tiếng, đau tức ngực, cân nặng giảm, lúc này bệnh đã chuyển sang giai đoạn 2 của ung thư thực quản.
Bác sĩ Hoàng Văn Kiệt cũng nhắc nhở rằng, nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản là do thói quen sinh hoạt không tốt, bao gồm hút thuốc lá, ăn trầu, uống rượu bia quá độ, thường xuyên ăn thức ăn có nhiệt độ quá cao, dưa chua, thịt hun khói chế biến sẵn,…Điều này sẽ kích thích niêm mạc thực quản và tăng nguy cơ ung thư.
Để phòng tránh ung thư thực quản, việc đầu tiên cần làm là thay đổi những thói quen xấu, tuy nhiên nếu không may mắc bệnh ung thư thì việc phát hiện sớm cũng là một điều may mắn. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ, nên thêm mục nội soi dạ dày, điều này giúp ích cho việc phát hiện và điều trị bệnh sớm./.