Ngày 5/8, ông Phạm Hưng Hùng - Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng thông tin về cơ chế chính sách, hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.
Bảo vệ môi trường du lịch
Hiện nay trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi, tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận.
Trong đó, các cơ sở nuôi có chủ cơ sở là người có hộ khẩu Hải Phòng là 371 cơ sở. Các cơ sở có chủ cơ sở là người không có hộ khẩu Hải Phòng là 69 cơ sở.
Các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của địa phương.
Hiện Hải Phòng đang tập trung xây dựng đảo Cát Bà trở thành một trung tâm du lịch sinh thái của cả nước và quốc tế; trọng điểm phát triển kinh tế biển; trung tâm thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá của thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ; đảo Cát Hải trở thành khu vực đô thị mới văn minh, hiện đại và khu dịch vụ cảng biển quan trọng của thành phố và khu vực các tỉnh phía Bắc.
Đồng thời, nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.
Chính sách hỗ trợ tháo dỡ
Về căn cứ pháp lý khi xây dựng hỗ trợ, theo Luật Thuỷ sản năm 2017 mới chỉ có quy định thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện thu hồi khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản vì mục đích công cộng, quốc phòng và an ninh; chưa có quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ đối với việc cắt giảm các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản không được giao, không được cho thuê mặt nước biển, khu vực biển cũng như các trường hợp thu hồi khác quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Thuỷ sản năm 2017.
Trong khi đó, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các vịnh của quần đảo Cát Bà đều chưa được cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Vì vậy, căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Trên cơ sở khảo sát, tính toán, xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và thực hiện đầy đủ các thủ tục ban hành Nghị quyết theo quy định, UBND TP Hải Phòng đề xuất HĐND TP Hải Phòng ban hành Nghị quyết quy định các nội dung hỗ trợ cho toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Cụ thể, hỗ trợ vật kiến trúc: mức hỗ trợ đối với nhà chòi: 19.857.983 đồng/nhà chòi; mức hỗ trợ đối với ô lồng nuôi cá: 4.836.000 đồng/ô lồng; mức hỗ trợ đối với giàn nuôi nhuyễn thể: 89.008 đồng/m2.
Hỗ trợ sản phẩm nuôi: đối với sản phẩm nuôi là cá: hỗ trợ đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 1/1/ 2023, mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Các cơ sở nuôi trồng tháo dỡ trước ngày 1/1/2022: mức hỗ trợ là 25.000 đồng/1m3.
Các cơ sở nuôi trồng tháo dỡ từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022: mức hỗ trợ là 12.500 đồng/1m3.
Đối với sản phẩm nuôi là nhuyễn thể: hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 1/1/2022; mức hỗ trợ là 12.500 đồng/1m2.
Hỗ trợ ổn định đời sống đối với thành viên hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 1/7/2021, mức hỗ trợ là 6.480.000 đồng/1 nhân khẩu.
Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là hơn 68,4 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ngày 11 và 12/8/2021, Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng khóa XVI (nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ tổ chức Kỳ họp thứ 2 để xem xét, quyết định 21 nội dung, ban hành 31 Nghị quyết. Trong đó, có nghị quyết quy định các nội dung hỗ trợ cho toàn bộ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.