Trong đơn gửi tới TAND cấp cao tại Hà Nội, hai giáo sư ngành y mong tòa xem xét cho ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu giám đốc CDC Hà Nội được giảm mức án để có cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng.
 
Ngày mai 24/6, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) ra xét xử phúc thẩm.
 
Trước khi diễn ra phiên tòa, Giáo sư Phạm Ngọc Đính (nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) và Giáo sư Vũ Sinh Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) có đơn bày tỏ mong tòa xem xét khoan hồng, giảm án cho cựu Giám đốc CDC Hà Nội - Nguyễn Nhật Cảm.
 
"Chúng tôi không thể thanh minh hết cho những sai lầm mà ông Nguyễn Nhật Cảm cùng một số đồng nghiệp ở CDC Hà Nội đã mắc phải. Tuy nhiên, là những người từng có thời gian công tác tại các đơn vị y tế dự phòng và Viện nghiên cứu Y học dự phòng, chúng tôi cho rằng, ông Nguyễn Nhật Cảm đã mang tác phong (có phần quan liêu) của nhà khoa học, trong điều kiện bận rộn, cùng lúc điều hành rất nhiều loại công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
 
Cộng thêm việc chưa sát sao cụ thể, chưa thấy rõ những phức tạp, lỗ hổng của việc đấu thầu mua trang bị, vật tư vào thời gian chống đại dịch trong điều kiện chưa có được những văn bản hướng dẫn cụ thể từ trên, nên đã xảy ra những sai lầm quan trọng trong việc mua sắm thiết bị PCR phát hiện SARS Cov-2 gây Covid- 19", hai vị giáo sư trình bày trong đơn gửi Tòa cấp cao.
 
Cũng theo nội dung lá đơn, hai giáo sư cho rằng, ông Cảm trưởng thành từ cơ sở qua công tác thực tế phòng chống dịch, lại được Nhà nước và ngành Y tế đào tạo bài bản, là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp và thành tích đối với ngành Y tế Hà Nội nói riêng và hệ thống Y tế dự phòng cả nước nói chung cũng như trong việc đào tạo, giảng dạy cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng Y Dược.
 
Trước tình hình các dịch bệnh mới nổi và tái xuất hiện ngày càng phức tạp, trong đó có những bệnh dịch rất nguy hiểm như Covid-19, nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là người làm trong lĩnh vực Y tế dự phòng còn rất nhiều hạn chế về năng lực quản lý chuyên môn, công tác phòng chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn. 
 
Do đó, xét theo tình hình thực tế, năng lực cũng như đóng góp đã có, hai giáo sư kính mong TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm được hưởng lượng khoan hồng, giảm mức án để có cơ hội nhanh chóng được hòa nhập cộng đồng. 
 
"Với danh dự và lòng tin của những người đã từng phục vụ trong hệ thống Y tế dự phòng nhiều năm qua, chúng tôi tin tưởng rằng Nguyễn Nhật Cảm, nếu được cho cơ hội, sẽ tiếp tục cống hiến cho xã hội theo chuyên môn Y học đã được đào tạo", hai giáo sư bày tỏ.
 
Trước đó, hồi tháng 12/2020, TAND Hà Nội tuyên ông Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù. Bản án thể hiện CDC Hà Nội được cấp kinh phí để mua sắm gói thầu số 15 gồm máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
 
Tuy nhiên, với động cơ vụ lợi, tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với các bị cáo khác, thỏa thuận mua bán các máy, thiết bị y tế thuộc gói thầu số 15 trước khi thực hiện các quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường.
 
Ông Cảm câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy – Giám đốc Công ty đấu giá Nhân Thành để gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định gói thầu số 15 theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu. Sau đó, bị cáo này chỉ đạo và giao nhân viên dưới quyền thuộc CDC hợp thức hóa toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu với giá hơn 9,5 tỷ đồng. Thực tế, số thiết bị này có giá 4,1 tỷ đồng nên các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
 
Cấp sơ thẩm xác định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội. Trong khi toàn Đảng, toàn dân phải ra sức phòng chống dịch bệnh, các bị cáo vi phạm quy định, không hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó nên cần hình phạt nghiêm minh để giáo dục, phòng ngừa chung.
 
Sau phiên tòa sơ thẩm nói trên, các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm; Nguyễn Vũ Hà Thanh – nguyên Trưởng phòng Tài chính CDC; Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng Tổ chức CDC; Đào Thế Vinh – Giám đốc Công ty MST; Nguyễn Trần Duy - Tổng Giám đốc Công ty định giá và bán đấu giá Nhân Thành; Nguyễn Thanh Tuyền - nhân viên Công ty thiết bị y tế Phương Đông và Nguyễn Ngọc Quỳnh - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
 
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền sau đó lại rút đơn kháng cáo của mình và được TAND cấp cao tại Hà Nội ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
 
Bị hại trong vụ án là CDC Hà Nội cũng kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của mình.