TAND TP Hà Nội vừa có quyết định đưa ra xét xử 38 bị cáo trong vụ án Công ty Việt Á về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng," "Tham ô tài sản," "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo đó phiên tòa diễn ra tại trụ sở TAND TP Hà Nội dự kiến từ 8h30 sáng 3/1/2024 và kéo dài trong khoảng 20 ngày gồm cả ngày nghỉ.

vc-1702342019.jpg
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.

Theo quyết định, Hội đồng xét xử vụ án gồm 5 thành viên, trong đó có 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân và do Thẩm phán Trần Nam Hà, Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội làm chủ tọa. Ngoài ra còn 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân dự khuyết. Thư ký phiên tòa là 2 cán bộ tòa án và các thư ký dự khuyết. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử là 9 người, bao gồm cả các kiểm sát viên dự khuyết.
Đáng chú ý, phiên tòa có tổng số hơn 70 luật sư tham gia phiên tòa. Trong đó, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có 4 luật sư bào chữa.

Ngoài ra, TAND thành phố Hà Nội còn triệu tập nhiều tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới tòa. Trong đó, tất cả các bị can, bị cáo, bị án ở 19 tỉnh, thành phố trên cả nước liên quan đến hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt và vụ án Việt Á cũng sẽ được triệu tập.

Trong số 38 bị cáo bị đưa ra xét xử, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) bị truy tố hai tội danh là “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN bị truy tố cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, điều 356 BLHS.

33 bị cáo khác bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”,

“Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Để Công ty Việt Á được tham gia nghiên cứu đề tài, phát triển sản phẩm kit test được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, tạo điều kiện hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương theo giá đã được nâng khống, Phan Quốc Việt đã đưa tổng số tiền là 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng cho một số cán bộ liên quan trong vụ án.

Bên cạnh đó, quá trình Công ty Việt Á sản xuất và tiêu thụ kit test, với mục đích để Công ty Việt Á được thuận lợi trong việc tiêu thụ kit test, thu lời bất chính, Phan Quốc Việt trực tiếp hoặc chỉ đạo 7 nhân viên phụ trách vùng của Công ty Việt Á liên hệ làm việc và thỏa thuận, thống nhất với lãnh đạo, cán bộ các công ty trung gian (Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, cơ sở y tế qua công ty trung gian) hoặc lãnh đạo, cán bộ các đơn vị, cơ sở y tế để Công ty Việt Á giao kit test và các thiết bị, vật tư y tế khác cho các đơn vị, cơ sở y tế sử dụng trước. Sau đó thông đồng hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để đơn vị, cơ sở y tế thanh quyết toán, chuyển tiền cho Công ty Việt Á/công ty trung gian theo đơn giá do Công ty Việt Á/công ty trung gian đưa ra.