Ngày 5-11, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) cho biết một trong 2 bệnh nhân vẫn đang được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc dù đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất. Hai bệnh nhân nhập viện cách nhau chỉ 1 ngày, đều ở trong tình trạng khó thở nghiêm trọng, tím tái.
Bệnh nhân thứ nhất là một cụ ông 84 tuổi được người nhà đưa vào cấp cứu ngày 26-10 do bị khó thở. Theo người nhà, 30 phút trước đó cụ có uống 2 viên thuốc to hơn hạt bắp thì bị sặc, ho nhiều, khó thở, khạc ra được 1 viên.
Bác sĩ nhận thấy cụ đã tím tái, hầu như không thở nổi nên đã lập tức chụp X-Quang và nội soi phổi - phế quản tại giường. Một viên thuốc kẹt ở cuối phế quản trung gian phải đã được gặp ra. Sau khi bơm rửa phế quản, rất may bệnh nhân ổn định và bớt khó thở nên được xuất viện sớm.
Bệnh nhân thứ 2 là một cụ ông 75 tuổi, bị tâm thần phần liệt, nhập viện 27-10. Trong khi người nhà cho ăn cháo thì ông ho, khó thở; lúc nhập viện đã lơ mơ, tím tái, bác sĩ phải đặt nội khí quản, bóp bóng giúp thở.
Bệnh nhân được soi phế quản và hút ra rất nhiều thức ăn bên trong bao gồm cháo và thịt bằm. Tuy nhiên tình trạng của cụ ông vẫn nặng nên được chuyển tới khoa Hồi sức tích cực - chống độc để theo dõi.
Qua 2 ca bệnh nói trên, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Nội hô hấp của Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo mọi người, nhất là người lớn tuổi, nên cẩn thận khi ăn uống và dùng thuốc, tốt nhất không xem ti vi, đọc báo khi ăn, hay uống thuốc vì dễ làm mất tập trung, tăng nguy cơ hít sặc. Hít sặc dị vật có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức hoặc các biến chứng lâu dài như viêm phổi khi dị vật bị "bỏ quên" mà không hay.
Đáng chú ý, nguyên nhân sặc của bệnh nhân 84 tuổi là ngửa cổ khi uống thuốc. Bác sĩ Thế Hoàng nhấn mạnh khi ăn hay uống thuốc, tuyệt đối không được ngửa cổ mà phải ngồi gập cổ như bình thường, nếu ăn thì chỉ ăn miếng nhỏ. Cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng: ho sặc khi nuốt, khi nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần./.