Xưa, đây là một vùng sầm uất, khe suối bao quanh, cây cổ thụ bốn mùa tươi rợp bóng mát, tiếng nước chảy, tiếng gió, tiếng chim muông tạo nên một khoảng không gian tĩnh mịch, thâm nghiêm, huyền ảo. Thời đó ai đi qua cổng đền cũng đều hạ nón, mũ, cúi đầu nhẹ nhàng cung kính bước qua.
“Miếu mạo tôn nghiêm chiêm khả kính
Anh linh hách trạc ngưỡng di cao”
Đây là một ngôi đền khá cổ, được tạo dựng trước thế kỷ 17. Đền lập lên để thờ vị Dương Hùng Công Chính, không rõ thiên thần hay nhân thần vì không ghi rõ huý danh, quê quán chỉ thấy ghi trong văn tế là: “Đương Cảnh Thành Hoàng, Dương Hùng Công Chính, hộ quốc an dân, Phúc Thần Anh Đoán, Linh Ứng Đại Vương, Gia Tăng Dực Bảo trung hưng, gia phong đôn ngứng linh phủ tôn thần…”
Đến khoảng thế kỷ 17 có thần linh vị Võ Tướng, Thượng Tướng quân Lê Biên. Thượng tướng Lê Biên người làng Hương Nao, thuộc dòng họ Lê Tự, ông là người có tài thao lược quả cảm, được Chúa Trịnh tin dùng giao cầm quân trấn giữ vùng biên ải hiểm yếu, đã từng phò chúa đánh giặc toàn thắng, được vua Lê phong bá rồi phong hầu, Đạo sắc niên hiệu Đức Long nguyên viên (1629) ghi:
“Tán trị Công thần đặc tiến trụ quốc thượng tướng quân; chức đô chỉ huy Thiêm sử ty. Đô chỉ huy sử ty vệ cẩm y, tước mậu lâm bá trú quốc hạ trật Lê Biên – đến năm 1623 phò giá đánh giặc toàn thắng được triều thần ban định thăng thưởng. Nay gia tăng, tán trị công thần đặc tiến trụ quốc thượng tướng quân, đô chỉ huy đông tri, đô chỉ huy sứ ty, vệ cẩm y, tước mậu lâm hầu trụ quốc trung trật…”
Đến thế kỷ 19, Đền còn thờ Lang Trung ĐặngVăn Khải, ông quê ở Phật Nao nhưng sinh trưởng và thành đạt ở Hương Nao, ông đổ cử nhân khoa Bính Ngọ, năm thiệu trị thứ 6 (1846) được bổ làm việc ở Bộ Công giữ chức “Hàn lâm viện kiêm thảo” biên soạn bộ sách “Đại nam sự lễ hội đền” ông làm đến lang trung bộ hộ, bang biện quận vụ Hải Dương, ông còn làm viên ngoại lang binh bộ, năm tự đức thứ 17 ông tòng chinh dẹp giặc bị tử trận được phong lang trung.
Đền còn là nơi thờ tự các vị tiên hiền, tiền bối, các vị danh nhân, khoa bảng, các vị đã có công lớn với sự nghiệp của dân tộc là người của Hương Nao. Là nơi hội tụ các dòng họ, là trung tâm văn hóa nơi sinh hoạt lễ hội của dân làng.
Trong quá trình tồn tại, đi cùng với sự phát triển của dân tộc. Đền Hương Nao còn mang nhiều dấu ấn của một di tích lịch sử gắn với sự đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Làng Hương Nao.
Thời xa xưa không rõ lắm, trong cuộc nổi dậy chống pháp, thời kỳ cần Vương. Đền là nơi thao binh luyện võ. Trong những năm 30 – 31 đền là nơi hội họp, hoạt động của các chiến sĩ cộng sản, của Nông hội đỏ, đồng chí Nguyễn Trung Thiên đã có thời kỳ tạm lánh ở đền Hương Nao để hoạt động cách mạng, khi đó chỉ biết là một người có trách nhiệm của Đảng cần được bí mật bảo vệ, sau nay mới biết đó là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Tĩnh.
Đền cũng là địa điểm bí mật họp thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đại Nài. Chi bộ được mang tên chi bộ Trần Thụ - tên của liệt sĩ Trần Quốc Thụ (hy sinh năm 1930). Đền là nơi bí mật tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết tuyên truyền, vận động cách mạng. Là nơi họp các chiến sỹ cộng sản để được nghe phổ biến tình hình, diễn biến của phong trào cách mạng bàn kế hoạch, thành lập Ủy ban khởi nghĩa, phát động quần chúng nỗi dậy khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945.
Kể từ sau những năm 1960 của thế kỷ trước, đền Hương Nao chỉ còn lại trong ký ức bao người những hình ảnh uy nghi, linh thiêng. Hai cột nanh sừng sững như nhắc nhở con cháu ngày nay phải làm gì đề không mất đi trong lòng người Hương Nao một ngôi đền đã thành niềm tự hào của bao thế hệ.
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về tên gọi là Hương Nao, có người cho rằng, dân ở làng này nhà phần lớn làm bằng gỗ Nao nên có tên gọi là Hương Nao, có người lại nói: Nao là uốn theo đường cong – Làng Hương Nao xưa ở dọc triền sông Hán – con sông quanh co, uốn khúc, nên tên làng Hương Nao.
Dân Làng Hương Nao luôn nhớ về cội nguồn, bao nhiêu năm nay vẫn đau đáu một ước muốn sẽ tái tạo đền, dẫu chẳng được như ngày xưa. Họ muốn có lại nơi thờ cúng Thành Hoàng, người đã có công bảo vệ bờ cõi, không gian thiêng của Làng xã, ngài đã công đức, chiến tích cứu dân, cứu nước. Dân làng muốn có Ngài để kiểm soát, nhắc nhở hành vi, đạo đức của con cháu muôn đời và muốn Ngài là sức mạnh cho đời sống tâm linh của dân làng Hương Nao thời hiện đại. Dân làng Hương Nao muốn có đền Làng để khi con cháu xa xứ trở về có nơi hương khói, tưởng niệm tổ, tiên, nhớ về cội nguồn, tự hào về một thời oanh liệt của ông cha, tự hào về một làng quê có tên Hương Nao.
Thực hiện Nghị quyết TW5, khóa VIII của Đảng về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, với bề dày lịch sử và nguyện vọng thiết tha chính đáng của nhân dân. Với sự nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân, con cháu xa quê nên đền đã được tái thiết. Tuy chưa được uy nghi, hoành tráng như ngày xưa, nhưng đã ra dáng dấp một ngôi đền có hạng.
Đền Hương Nao nay đã trở thành điểm sáng trong tâm linh của Hậu duệ Dương Hùng và con cháu làng Hương Nao. Rồi mai sau, đền sẽ được trả về với cái dáng tôn nghiêm, hoành tráng vốn có như ngày xưa!
“Ai không tâm niệm vì đâu có mình
Nhờ tổ tiên anh linh phù hộ
Dìu cháu con tiến bộ trưởng thành
Trẻ già trai gái yên lành
Họ hàng thịnh vượng xóm làng vui tươi”
Hương Nao có truyền thống văn hóa tốt đẹp, hàng năm làng tổ chức nhiều ngày Lễ hội lớn như Rước thần Kỳ phúc lục ngoạt (14-15/6 âm lịch). Lễ tất niên 25 tháng chạp, lễ khai hạt (4.1) lễ thượng nguyên (ngày 15 tháng giêng), lễ trung nguyên (ngày 15/7). Lễ hội xuống mùa (đầu vụ gieo cấy) lễ khao lão, yến lão, mừng thọ… lễ hội, lễ thói đều được quy định trong hương ước của làng.
“Gái trai đầy nụ đơm hoa
Yêu nhau tiếng hát lời ca rộn ràng”
Người Hương Nao cần cù trong lao động, sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu chống ngoại xâm, chống mảnh thú, chăm chỉ thông minh trong học tập, sống có tình, có nghĩa, có thủy, có chung, giàu lòng nhân ái vị tha.
Chính những đặc điểm trên mà Đền Hương Nao đã được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011. Nơi đây có phong cảnh hữu tình, là làng quê trù phú, xóm làng sầm uất, con sông Hán nước chảy trong xanh từ thượng nguồn chảy qua quanh co, uốn khúc, làng có cây đa, giếng nước, bến đò, có đền, có miếu, có chùa. Hội tụ đầy đủ bản sắc tốt đẹp của một làng quê Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố, hiện nay đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Rất cần sự phát tâm trợ giúp, trợ duyên của quý phật tử trên mọi miền tổ quốc để ngôi đền trở lại với vẻ uy nghi cổ kính ban đầu./.