Mỗi vụ thu hoạch cói, bình quân các hộ dân ở thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân) có thu nhập từ 35-40 triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu chính của người dân nơi “ốc đảo” giữa dòng Lam.


 
Thôn Hồng Lam nằm giữa dòng sông Lam, bốn bề bao quanh là nước. Mùa nắng, thôn thiếu nước sạch, mùa mưa ngập úng. Khó khăn nhiều nhiều người trẻ lần lượt bỏ làng đi xa xứ lập nghiệp. Trước đây thôn Hồng Lam có 250 hộ, nay chỉ còn 150 hộ.


 
Những người còn lại ở làng chủ yếu là người già, họ bám trụ với “ốc đảo” bằng  việc trồng cây hoa màu, trồng cói và chăn nuôi. Trong đó, nghề cói là nguồn mang lại thu nhập chủ lực cho những lao động trên 50 tuổi - họ cũng được xem là lao động chính ở làng này.


 
Trước đây, mỗi hộ dân chỉ có 2-3 sào cói (500m2/sào). Tuy nhiên, khi nhiều hộ dân bỏ làng ra đi, người ở làng sử dụng diện tích họ để lại nên hiện nay bình quân mỗi hộ làm 6-7 sào đến 1 mẫu cói.

 
Mùa thu hoạch cói bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến hết tháng 8. Thời điểm này, thời tiết ở đây thường nắng nóng nên người dân phải thức dậy từ 4h sáng để ra đồng cắt cây.

 
Khi nắng lên, người làm cói dùng thuyền vận chuyển từng bó cói tập kết lại 1 đống ven sông rồi dựng lều thực hiện công đoạn chẻ và phơi cói.

 
Để tránh cói bị khô, khó chẻ, người dân sẽ thu hoạch tới đâu thì chẻ tới đó. Việc chẻ cói diễn ra ngay trên những cánh đồng. Mỗi máy chẻ thủ công gồm 2 người ngồi hai đầu và phải kéo cói cho thẳng, tránh để cói mất gốc hoặc ngọn. Cói sau khi chẻ sẽ dễ phơi khô và bán được giá hơn.

 
Cói được phơi qua 2 nắng rồi cột thành từng bó để đưa về nhà. Thương lái thu mua mỗi tạ cói khô từ 800.000 - 900.000 đồng rồi xuất bán ra tỉnh Thanh Hoá làm nguyên liệu dệt chiếu, đan thảm và các vật dụng khác.



Ông Lê Văn Tuân (60 tuổi, thôn Hồng Lam cho biết), cây cói cùng với đậu và lạc là những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Nhiều năm trước, người dân thu hoạch mỗi năm hai vụ cói nhưng vài năm trở lại đây, họ chỉ thu hoạch mỗi năm một vụ.
 


“Với 7 sào cói, vụ mùa trước, gia đình tôi thu 3,5 -4 tấn cói khô, bán được hơn 30 triệu đồng. Đây là nguồn thu chính phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân chúng tôi” - ông Tuân cho biết.
 


Sau mỗi vụ thu hoạch, người dân không phải trồng lại cây cói mà chỉ tiến hành làm sạch cỏ, bón đạm vào các gốc đã cắt thì cây cói non sẽ nhanh chóng mọc trở lại và lớn lên cho vụ tiếp theo.

 
Theo những người dân thôn Hồng Lam, dù vất vả phải làm liên tục cả ngày, mỗi vụ chỉ có 2 lao động 50-70 tuổi thu hoạch mất 1-2 tháng nhưng họ vẫn bám trụ bởi nghề này mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa. Đây cũng là nguồn thu nhập chính để họ bám trụ lại vùng “ốc đảo” giữa dòng Lam này.