Nhiều ngôi nhà xây phủ khắp bản, làng
Trở lại bản Rào Tre vào dịp hè này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí mát lành của xã miền núi nhờ mạch nguồn khe suối không ngừng chảy và cây rừng trùng điệp, tít tắp. Mấy chục nóc nhà sàn bằng gỗ trước đây nay phần nhiều đã được thay thế bằng nhà xây nhưng vẫn xây theo kiểu nhà sàn để phù hợp với văn hóa và sinh hoạt của bà con.
Chạy quanh một vòng khắp bản cũ và bản mới tái định cư, hầu hết đều vắng bóng người lớn, có chăng thì chỉ có người già và trẻ con. Trước đây khi chúng tôi đến, trẻ con thường chạy ù vào nhà núp vì sợ người lạ. Thế nhưng, nay khi vừa thấy chúng tôi, mấy đứa trẻ độ tuổi học lớp 1 đã chủ động bắt chuyện bằng tiếng kinh: “chú ơi cho xin cái kẹo?”.
Chúng tôi hỏi cha mẹ đi đâu thì chúng trả lời cha mẹ đi rừng từ sáng, đến chiều tối mới về. Hỏi ở nhà ai nấu cho ăn buổi trưa, chúng trả lời mẹ nấu từ sáng, buổi trưa anh em ở nhà chỉ việc lấy ra ăn.
Đến bản cũ khi trời đã gần đứng bóng, bên trong một ngôi nhà gỗ nhỏ, một phụ nữ khoảng 70 tuổi đang ngồi ăn cơm cùng đứa cháu mới 1 tuổi. Thức ăn duy nhất chỉ có 1 món là măng xào ruốc. Hỏi tên thì bà cho biết tên Hồ Thì Sông, nhưng hỏi tuổi thì bà nói “không biết mô”. Đó cũng là câu trả lời quen thuộc với thế hệ người già ở bản này.
Bà Sông cho biết, vợ chồng bà có 5 người con. Chồng bà bị bệnh mất cách đây đã gần 20 năm. Vài năm trước, con trai út của bà bị tai nạn giao thông chết. Hiện 4 người con đã lập gia đình, trong đó 2 người kết hôn với người ở tỉnh Quảng Bình, 2 người lấy ở trong bản.
“Mẹ hắn đi làm thuê ở miền Nam, bố hắn đi chặt cây keo thuê nên giao hắn cho bà chăm. Bận dự cháu không đi bắt được con tôm, con ốc chi cả nên phải ăn cơm với măng thôi” - bà Sông nhìn sang đứa cháu trai 1 tuổi chia sẻ.
Hỏi sao không làm nhà xây ở như nhà bà Hồ Hoàn hàng xóm và nhiều hộ khác trong bản, bà Sông thật thà: “Không có tiền mô. Mà có cũng không muốn làm vì già rồi không có sức trèo cầu thang nữa”.
Vẫn còn nỗi lo tái diễn hôn nhân cận huyết
Ngày 2.8, ông Phan Thanh Lê - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết, hiện người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre có 45 hộ với 156 nhân khẩu. Trong đó 29 hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng như của một số tổ chức hảo tâm nên phần lớn bà con ở đây đã được hỗ trợ xây nhà mới.
“So với trước đây thì cuộc sống của bà con dân tộc Chứt cũng đã có nhiều đổi mới, cũng đã xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu. Một số thanh niên cũng đã biết đi vào miền nam làm công nhân, làm thuê. Tuy nhiên, về nỗi lo hôn nhân cận huyết thì vẫn chưa hết” - ông Lê nói.
Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ, bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre khoảng 30 năm trước đây, khi mới đưa ở hang đá ra họ không biết làm ruộng, gạo do chính quyền cấp phát nhưng nay nhờ biên phòng chỉ bảo nên họ đã biết làm ruộng. Không những thế, vào mùa thu hoạch, họ cũng đã biết sử dụng máy cắt cỏ để gặt lúa cho nhanh. Về văn hóa, dân trí, lớp trẻ các lứa tuổi đều được đến trường, không có nạn mù chữ.
Theo Trung tá Thiên, bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre hiện nay ngoài làm ruộng thì còn đi rừng lấy lâm sản phụ, một số đi khai thác rừng keo thuê cho người Kinh, một vài hộ đã nhận đất rừng tự trồng keo. Do thiếu việc làm, thu nhập thấp nên nhiều thanh niên vẫn phải vào miền nam làm thuê.
“Cách đây khoảng 4 đến 5 năm về trước tại bản Rào Tre xảy ra nhiều trường hợp kết hôn cận huyết thống. Khoảng 2 năm nay thì không có nữa. Nhưng hiện nay vẫn tiềm ẩn tái diễn hôn nhân cận huyết do tỉ lệ nam trong độ tuổi thanh niên cao gấp 3 lần nữ” - Trung tá Thiên tâm sự.
Cũng theo trung tá Thiên, nhờ tuyên truyền, vận động và có chính sách khuyến khích hỗ trợ làm nhà ở nên thời gian qua đã có 5 cặp người dân tộc Chứt kết hôn với người kinh nhưng đó là con gái dân tộc Chứt lấy con trai dân tộc Kinh. Còn con trai dân tộc Chứt lấy gái dân tộc Kinh thì rất khó. Bởi vậy, vẫn tiềm ẩn hôn nhân cận huyết ở bản này./.