Ông Hồ Tiến Dũng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng (địa chỉ tại 41 đường Vũ Quang, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), Giám sát trưởng công trình xử lý cấp bách đê Tân Long cho biết: “Sau khi đổ bê tông mặt đê được 5 ngày, khi tiến hành cắt khe co giãn thì phát hiện một số vị trí xảy ra hiện tượng bị nứt”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc nứt nẻ nói trên, ông Dũng nhận định, do thời điểm vào đầu tháng 9, thời tiết nắng nóng, quá trình đổ bê tông không được bảo dưỡng kịp thời.
“Sau khi phát hiện sự việc, tôi đã báo cáo với Chủ đầu tư. Qua kiểm tra, các bên đã thống nhất lập biên bản, yêu cầu đơn vị thi công bóc dỡ nguyên tấm bê tông dài 5m giữa 2 khe co giãn, nơi có hiện tượng nứt nẻ rồi đổ bê tông lại”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, thời gian qua, các nhà thầu đang tạm nghỉ nên đơn vị tư vấn giám sát không có mặt tại công trường. Tuy nhiên, phía đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh (người đại diện pháp luật là ông Trần Xuân Đình, địa chỉ tại xóm Tiền Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh) đã tự ý xử lý mà không báo với bên tư vấn giám sát.
“Nhận được thông tin phản ánh, qua kiểm tra thì thấy đơn vị thi công không bóc dỡ nguyên tấm bê tông 5m như biên bản đã thống nhất, mà chỉ cắt một quãng rộng 30-40cm để xử lý. Bê tông bị phá vỡ kết cấu mà xử lý như thế thì không triệt để, không đảm bảo. Khi chúng tôi lập biên bản và yêu cầu dừng lại thì đã xử lý được 2 khe rồi”, Giám sát trưởng công trình cho biết.
“Quan điểm là phải xử lý đúng, đảm bảo kỹ thuật, như biên bản đã ký. Đã không báo cáo mà còn làm dối thì nhất quyết không đồng ý nghiệm thu”, đại diện đơn vị tư vấn giám sát khẳng định.
Về vấn đề đơn vị thi công không sử dụng gỗ để làm khe co giãn mà dùng cưa cắt để tạo khe, ông Dũng xác nhận ''có biết việc này'' và phân trần: “Đúng ra là phải làm khe co giãn bằng gỗ như hồ sơ thiết kế, tuy nhiên do đổ bê tông tươi, nếu tạo khe bằng gỗ thì sẽ kéo dài thời gian, khiến bê tông không đảm bảo được nên cho họ đổ luôn. Sau này họ phải dùng máy cưa tạo khe, còn khối lượng gỗ thì sẽ trừ tiền ra khỏi dự toán”.
Phản ánh về việc bê tông đổ mặt đê có dấu hiệu thiếu max, mặt đê có chỗ không đảm bảo độ dày, chỉ đạt khoảng hơn 18cm, vị Giám sát trưởng công trình xử lý cấp bách đê Tân Long thông tin: “Nếu xác minh được vị trí, chúng tôi sẽ yêu cầu khoan lấy mẫu đưa về nén lại. Việc khoan lấy mẫu trực tiếp rất khách quan vì đánh giá được cả quá trình bảo dưỡng và công tác khác nữa”.
Dự án xử lý cấp bách đê Tân Long có chiều dài gần 3km, điểm đầu tại thôn Đình, điểm cuối tại đường Tỉnh lộ 8B thuộc thôn Nam Đoài, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 35,5 tỷ.
Liên quan đến nhiều vị trí bị xói lở sâu, tạo nên những hàm ếch lớn, ông Dũng cho hay, đợt vừa rồi có mấy trận mưa khá to, quá trình đào đất thủ công để làm khóa mái chưa phủ lại và chưa trồng cỏ được nên nước đã tập trung xuống một số vị trí gây xói lở; hiện nay đơn vị đang cho khắc phục lại để triển khai trồng cỏ.
Công trình do Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng làm tư vấn giám sát, Liên danh Công ty cổ phần xây lắp Thành Vinh và Công ty cổ phần xây dựng 68 Hà Tĩnh chịu trách nhiệm thi công./.