c-1679143192.jpg
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị các phương tiện, dụng cụ ứng cứu đuối nước

Lấp giếng làng, phòng ngừa đuối nước

Những ngày qua, tại thôn Ban Long, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết tức tưởi của 3 người dân, trong đó có 1 trẻ em ở giếng làng. Các nạn nhân xấu số tử vong vào chiều ngày 4/3 đều là người thân trong gia đình do bất cẩn khi câu cá đã bị sẩy chân rơi xuống nước.

cc-1679143236.jpg
Giếng làng tại thôn Ban Long, xã Quang Lộc nơi có 4 người bị đuối nước thương tâm

Qua tìm hiểu được biết, giếng làng tại thôn Ban Long khá rộng, nước sâu, thành giếng ghép đá rêu phong, trơn trượt. Vì vậy, khi chẳng may bị trượt chân rơi xuống nước là rất khó lên bờ, nếu không có người thân kịp thời ứng cứu. Điều đáng nói là tại giếng làng này năm ngoái cũng đã có 1 người tử vong thương tâm do đuối nước.

Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Đình Tấn ở thôn Ban Long, xã Quang Lộc cho biết, giếng làng được xây dựng khá lâu và trở thành nét đẹp, biểu tượng văn hóa của làng quê khiến ai đi xa cũng luôn nhớ về quê hương, bản quán.

“Không biết do tâm linh hay vì một nguyên nhân nào đó mà tại giếng làng đã có 4 người bị đuối nước thương tâm. Vì vậy, người dân địa phương luôn lo lắng, bất an, nhất là sợ trẻ em bị chết đuối. Những ngày gần đây, chúng tôi đã huy động lực lượng, lấy đất đá lấp giếng làng, phòng ngừa đuối nước”, anh Tấn nói.

a-1679143266.jpg
Người dân thôn Ban Long, xã Quang Lộc đã lấy đất đá lấp giếng làng phòng ngừa đuối nước

Đuối nước, nạn nhân thường là trẻ em và đôi khi có cả người lớn nếu chẳng may bị trượt chân rơi xuống nước nhưng lại không biết bơi, không có người ứng cứu. Khi phát hiện sự việc thì đã quá muộn, các phương án cứu chữa đều bất thành, vì nạn nhân xấu số đã tử vong trước đó.

“Sau nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại giếng làng, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân lấy ý kiến và thống nhất phương án tối ưu là lấp giếng làng. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, vì trên địa bàn còn có nhiều sông suối, ao hồ, nguy cơ đuối nước, nhất là ở trẻ em vẫn còn tiềm ẩn”, ông Đặng Đình Vinh - Chủ tịch UBND xã Quang Lộc thông tin.

Những giải pháp phòng ngừa đuối nước

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2021 trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra 25 vụ đuối nước, làm 35 thanh thiếu nhi bị tử vong; năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 12 vụ đuối nước, làm 18 trẻ em bị tử vong; riêng trong tháng 3 năm 2023 trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ đuối nước, làm 6 người chết. Đây là những con số đau lòng và có lẽ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tai nạn đuối nước thương tâm có thể xảy bất cứ lúc nào, nếu mọi người không chủ động các phương án phòng tránh.

a-1679143309.jpg
Biển cảnh báo nguy cơ đuối nước bên sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Giang, huyện Vũ Quang

Tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra chóng vánh, bất ngờ, gây nên nhiều đau thương, mất mát cho các gia đình, người thân và toàn xã hội. Trong khi đó ở Hà Tĩnh hệ thống sông suối, ao hồ, kênh mương thủy lợi khá dày đặc sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao. Đặc biệt hơn, tại nhiều địa điểm tai nạn đuối nước thường có dấu hiệu lặp đi lặp lại theo chu kỳ như một vấn đề tâm linh khó lý giải.

 Ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, mặc dù chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các trường học đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo, nhưng chiều ngày 7/3 tại khu vực sông Con ở xã Quang Diệm vẫn xảy ra vụ đuối nước làm 2 trẻ em bị chết.

Cũng theo ông Sơn, bên cạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết, thì vấn đề quan trọng là các gia đình cần quản lý, theo dõi chặt chẽ hoạt động vui chơi của trẻ em, nhất là những gia đình ở gần sông suối, ao hồ, kênh mương dẫn nước. 

j-1679143337.jpg
Khu vực sông suối là nơi thường xảy ra những vụ đuối nước thương tâm
jj-1679143379.jpg
Lắp đặt biển cảnh báo, trang bị phao cứu sinh phòng ngừa đuối nước

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Ny Hương- Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua các cấp bộ Đoàn - Đội đã tích cực triển khai nhiều công trình, phần việc nhằm ngăn chặn, phòng chống tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em.

“Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, trang bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn đuối nước khẩn cấp, đơn vị luôn chú trọng thực hiện mô hình “3K+3T” (3K: Không xuống nước khi không biết bơi; không đi bơi khi không có người lớn; không chơi đùa tại các sông suối, ao hồ và 3T: Thường xuyên nhắc nhở con em về nguy cơ tai nạn đuối nước; tập bơi cho trẻ, dạy trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước; tăng cường quản lý, không để con em tự tiện đi bơi ở sông suối, ao hồ…) gắn với các mô hình dạy bơi, học bơi miễn phí, an toàn cho trẻ em:, chị Nguyễn Ny Hương cho biết thêm.

g-1679143410.jpg
Mô hình dạy bơi miễn phí ở tỉnh Hà Tĩnh góp phần trang bị kỹ năng, chủ động phòng ngừa đuối nước

Phòng ngừa đuối nước, giảm thiểu tai nạn rủi ro là việc làm quan trọng, thường xuyên, liên tục, nhất là dịp mùa hè nắng nóng. Với đặc thù địa bàn nhiều sông suối, ao hồ, kênh mương như ở tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh các giải pháp phòng ngừa của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, thì mỗi bậc phụ huynh và toàn xã hội cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ con em, chủ động phòng ngừa tai nạn đuối nước.

Theo Văn Chương - kinhtedothi.vn