“Xé nhỏ” dự án dưới 1MW để lách luật
 
Sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành “Trang trại tổng hợp Trung Lễ” tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn xem đó như là “bảo bối” đã ngang nhiên xây dựng, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái có quy mô lên đến 7MW.
 
Trong qua trình lắp đặt, để “lách luật” đồng thời hưởng ưu đãi từ Nhà nước, chủ đầu tư đã “xé nhỏ” công suất của điện mặt trời cho 8 công ty khác nhau, để mỗi chủ đầu tư đều có công suất dưới 1MW. Việc làm này nhằm né quy định, không làm thủ tục bổ sung quy hoạch với các dự án công suất dưới 1 MW và để hưởng giá bán ưu đãi với điện mặt trời mái nhà - 8,38 cent một kWh (khoảng 1.943 đồng). Trong khi nếu đây là các dự án điện mặt trời mặt đất hoặc nổi thì giá ưu đãi thấp hơn nhiều, lần lượt 7,09 cent (1.644 đồng) và 7,69 cent (1.783 đồng) một kWh.
 
Theo đó, 8 chủ đầu tư của dự án điện mặt trời tại dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ gồm: Công ty TNHH Năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH Năng Lượng Xuân Linh; Công ty TNHH Dịch vụ khai thác năng lượng; Công ty TNHH Dịch Vụ Thương Mại xây dựng Việt Nam; Công ty TNHH Xuân Linh Hà Tĩnh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hà Tĩnh; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Xuân Linh; Công ty TNHH Dịch vụ năng lượng Xanh Hà Tĩnh.
 
Đặc biệt hơn, 8 công ty này đều thành lập trong tháng 10/2020. Trong đó, có 6 công ty thành lập ngày 16/10/2020, còn 2 công ty là Công ty TNHH Dịch Vụ Thương Mại xây dựng Việt Nam và Công ty TNHH Dịch vụ năng lượng Xanh Hà Tĩnh thì thành lập ngày 12/10/2020 do ông Phạm Ngọc Hà làm người đại diện pháp luật.
 
Ngoài ra, người đại diện pháp luật các công ty này đều là người nhà hoặc nhân viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, có những người đứng tên 2 đến 3 công ty, điển hình như: Ông Trần Xuân Linh và ông Trần Bảo Trung, Phạm Ngọc Hà... Trong đó, ông Phạm Ngọc Hà là em trai của giám đốc công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn.
 
Cũng theo chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, nếu đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ điện trong thời gian từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020 sẽ được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ.
 
Theo hồ sơ, 8 công ty nêu trên đều tiến hành đấu nối, ký hợp đồng bán điện cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh vào ngày 28/12/2020, với công suất 990 Kw. Dư luận đặt nghi vấn liệu công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn có bất chấp pháp luật, xem thường dư luận, xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái khi hồ sơ pháp lý chưa hoàn thành để hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ?
 
Chính quyền địa phương có tiếp tay cho những sai phạm?
 
Đối với hệ thống điện mặt trời trang trại, Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại (theo mẫu tại Phụ lục III, Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) trong hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện.
 
Để hợp thức hóa được hồ sơ và nhanh chóng được đấu nối và ký hợp đồng với Công ty Điện lực Hà Tĩnh, ngày 25/12/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã làm Tờ khai kinh tế trang trại gửi UBND xã Lâm Trung Thủy. Cùng ngày ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy đã ký xác nhận tờ khai kinh tế trang trại.
 
Điều đáng nói, dù biết Dự án Trang trại tổng hợp Trung Lễ chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý, còn vi phạm về Luật Đất đai, Luật Xây dựng nhưng không hiểu vì sao Chủ tịch xã vẫn xác nhận cho chủ đầu tư. Khi có xác nhận trong tay, chủ đầu tư xem đó như một “lệnh bài” để vượt mặt các cơ quan chức năng, sớm ký hợp đồng với công ty Điện lực Hà Tĩnh.
 

Tờ khai kinh tế trang trại của Tập đoàn Hoành Sơn gửi UBND xã Lâm Trung Thủy
 
Trao đổi với PV, mặc dù thừa nhận việc doanh nghiệp xây dựng trang trại, lắp đặt hệ thống điện mặt trời khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý là sai quy định nhưng ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ) vẫn cho rằng việc mình ký xác nhận tờ khai kinh tế trang trại cho công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn là có cơ sở.
 
“Dù chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định nhưng chủ đầu tư đã tự thỏa thuận và có hợp đồng chuyển nhượng đất với người dân, tiến hành nuôi bò, lợn, gà, cá... từ năm 2015 chứ không phải bây giờ mới làm”- ông Thọ phân trần.
 
“Địa phương chỉ kiểm tra giao trách nhiệm và đã lập biên bản đình chỉ. Quyền hạn địa phương chỉ có hạn nên các anh thông cảm. Tại dự án trang trại của công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn chúng tôi đã phối hợp với huyện kiểm tra và huyện đã lập biên bản nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm được”, ông Đặng Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy nói thêm.
 
Về vấn đề dự án điện mặt trời xã Trung Lễ không tuân thủ một số quy định của pháp luật, ông Phan Văn Anh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho rằng, về phía ngành Điện chỉ căn cứ vào hai tiêu chí là áp mái của công trình xây dựng và sản phẩm phải tốt, có kiểm tra kỹ thuật đạt chuẩn thì thực hiện thỏa thuận đấu nối cho khách hàng. Còn việc công trình như thế nào, có vi phạm với đất đai hay không, có thực hiện đúng quy trình xây dựng, an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… thì chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm, các cấp chính quyền địa phương liên quan, sở ngành sẽ quản lý. Ngành Điện là một doanh nghiệp nên không có chức năng quản lý những việc đó.
 
"Hơn nữa, để có được thỏa thuận đấu nối đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình trang trại, ngoài các thủ tục nêu trên chủ đầu tư cần cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng và bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện”, ông Anh nói thêm.
 
Để làm rõ hơn những sai phạm của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hoạch – Trưởng phòng Quản lý đất đai I - Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Hà Tĩnh. Ông Hoạch cho biết: “Hiện tại Sở chưa nhận được hồ sơ liên quan đến giao đất cho thuê đất của Công ty Hoành Sơn ở xã Lâm Trung Thủy. Còn việc họ xây dựng và sai phạm như thế nào thì không phải chức năng của phòng”.
 
Công ty Hoành Sơn thi công dự án”chui” và dùng nhiều chiêu bài để lách luật, hưởng lợi ưu đãi của điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh dù biết nhưng vẫn làm ngơ để công ty tiến hành xây dựng và khi “gạo đã nấu thành cơm” thì tìm cách chống chế, đổ trách nhiệm cho nhau. Phải chăng có sự tiếp tay cho những sai phạm của doanh nghiệp? 
 
Theo Thu Hường - congly.vn
(Bài gốc đăng 24/03/2021 09:22)