Người lao động cay đắng khi có nguy cơ mất trắng hàng nghìn USD đi xuất khẩu lao động
Suốt mấy tháng nay, hàng trăm lao động từ khắp các tỉnh, thành đổ xô về Hà Nội vật vờ trong cảnh đòi nợ. Theo phản ánh của người lao động, số tiền mà họ vay mượn, tích cóp bao năm nay đang bị ông Vũ Minh Tuân, Tổng Giám đốc Công ty Huệ Tuân chiếm giữ.
Ngày 8/4, trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Đức H. (SN 1977, quê phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, 2 năm qua anh vay mượn họ hàng số tiền 3.500 USD (tương đương hơn 100 triệu đồng) để đăng ký tham gia đơn hàng đi Slovakia - Hà Lan nhưng đến nay bặt vô âm tín.
Anh H. kể, vào tháng 9/2019, anh có tìm hiểu đơn hàng đi Slovakia – Hà Lan, làm việc 2 tháng tại Slovakia sau đó sẽ được đưa sang Hà Lan làm việc với mức phí xuất cảnh 7.500 USD. Ngày 10/10/2018, anh H. trực tiếp đến Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. đăng ký tham gia đơn hàng trên với ngành nghề hàn – xì và nộp tiền cọc cho nữ kế toán 10 triệu đồng.
"Đến tháng 10/2019, tôi có thi tuyển trực tiếp tay nghề tại trung tâm đào tạo của công ty. Cuối tháng 10 công ty báo trúng tuyển và yêu cầu chúng tôi đóng tiền cọc với số tiền 3.500 USD và 1,2 triệu đồng (tiền bảo hiểm vé máy bay) tại tầng 10, tòa nhà Sun Square 21 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sau đó xin visa Ba La không được, chúng tôi quay lại công ty xin lại số tiền mà mình đã đặt cọc nhưng công ty không chịu trả.
Mãi đến tháng 7/2020, tôi tới công ty trao đổi và được hứa hẹn nếu 2 tháng sau nữa không xin được visa sẽ thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cọc và chịu 2 tháng lãi cho tôi. Đến tháng 10/2020, họ trả lại cho tôi 1.500 USD và 1,2 triệu đồng còn lại 3.000 USD đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được", anh H. chia sẻ.
Cũng giống như anh H, anh Trần Quốc V. (35 tuổi, ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) từng nghĩ tìm đi xuất khẩu lao động để giúp gia đình bớt khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lại thêm chồng chất khó khăn khi nước ngoài chưa đi tiền đặt cọc chưa đòi lại được.
"Tôi đóng tổng cộng số tiền 4.500 USD cho anh Trần Ngọc C., nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. hồi tháng 11/2019. Anh C. sau cho biết có chuyển số tiền 3.000 USD cho Công ty cổ phần đầu tư Huệ Tuân có địa chỉ tại tầng 10, tòa nhà Sun Square 21 Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Sau khi chuyến đi xuất khẩu lao động không thành nhiều lần tôi đòi lại tiền thì được anh C. trả lại 1.500 USD, số còn lại đến nay tôi vẫn chưa nhận được. Ban đầu tôi cứ nghĩ rằng Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. đứng ra nhận hồ sơ cho mình đi nhưng sau hồ sơ được chuyển sang cho Công ty cổ phần đầu tư Huệ Tuân. Tôi chờ suốt bao ngày tháng qua nhưng bặt vô âm tín", anh V. nói.
Ôm nợ lớn vì giấc mộng đi lao động nước ngoài
Kể từ khi đóng tiền cọc để chờ đi Slovakia – Hà Lan đến nay, anh Nguyễn Văn T. (35 tuổi, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn còng lưng trả tiền nợ. Số tiền vay mượn anh em họ hàng và ngân hàng hiện anh T. vẫn còn nợ 70 triệu đồng.
"Chờ mãi không được đi xuất khẩu lao động trong khi số tiền 3.000 USD vẫn chưa được trả, tôi phải vào TP.HCM để làm kiếm thu nhập lo cho gia đình. Anh Trần Ngọc C. người đứng ra thu tiền của tôi nói Công ty cổ phần đầu tư Huệ Tuân cầm 3.000 USD biến mất rồi không rõ ngày trả. Chúng tôi giờ rơi vào tình huống dở khóc dở cười", anh T. chia sẻ với PV Dân Việt.
Còn anh Đào Văn Tr. (31 tuổi, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) chia sẻ, hiện anh đang làm công nhân ở Bình Dương với thu nhập 7-8 triệu đồng mỗi tháng để lo trang trải cho gia đình. Vợ anh Tr. đang chăm sóc con nhỏ ở quê, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
"Tôi chuyển khoản vào tài khoản của anh Trần Ngọc C., nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. để lo cho thủ tục, đặt cọc mình đi nước ngoài. Tuy nhiên, sau họ bảo chuyển hồ sơ cho công ty khác. Lúc chuyển tiền và hồ sơ của mình họ cũng không thông tin gì. Khi xảy ra việc không đưa được người đi họ mới nói chuyển tiền qua công ty khác. Suốt hơn 2 năm qua tôi phải đi làm trả nợ nhưng hiện giờ vẫn còn 40 triệu đồng tiền vay ngân hàng. Giờ tôi mong muốn sẽ lấy lại được tiền mình đã đóng", anh Tr. nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Trần Ngọc C., nhân viên Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. cho biết: "Không phải chỉ riêng những trường hợp trên mà rất nhiều người bên tôi bị như vậy. Hiện chúng tôi đang thuê luật sư giải quyết đối với Công ty Cổ phần đầu tư Huệ Tuân chứ không phải bên tôi thu tiền đi xuất khẩu lao động mà không trả lại. Tôi gửi bên đó rất nhiều người chưa lấy được tiền", anh C. nói.
Về vấn đề này, ông Trương Minh T., đại diện Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. lại khẳng định, đã có giấy tờ bằng văn bản do luật sư soạn về việc nhiều người bị thu số tiền hàng nghìn USD đi xuất khẩu lao động bất thành ủy quyền nhờ mình để đi đòi lại tiền.
"Tôi không phải là người thu tiền, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại T.V. cũng không triển khai dịch vụ tổ chức cho người lao động đi châu Âu, chỉ tổ chức đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Việc này có thể cá nhân với nhau nên hỗ trợ lẫn nhau. Việc này không liên quan đến tôi nhưng khi được họ ủy quyền tôi hỗ trợ nhờ luật sư đứng ra bảo vệ quyền lợi. Hiện Công an Nam Từ Liêm đang thụ lý giải quyết", ông T. nói.
Ngày 8/4, trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Anh Thư, Trưởng phòng Thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau khi nhận được đơn phản ánh của người lao động Thanh tra Cục đã phối hợp với cơ quan công an đã xuống làm việc tại Công ty cổ phần đầu tư Huệ Tuân.
"Chúng tôi đã nhiều lần xuống công ty cũng như mời ông Vũ Minh Tuân, Tổng giám đốc công ty lên làm việc. Tuy nhiên, ông Tuân tắt máy. Khi đến tận nơi công ty khóa cửa. Hiện công ty này đã bị thu giấy phép, người lao động được chuyển Công an quận Nam Từ Liêm thụ lý giải quyết", bà Thư nói.
PV Dân Việt nhiều lần liên hệ qua số điện thoại của ông Vũ Minh Tuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Huệ Tuân để làm rõ vấn đề này nhưng cũng trong tình trạng tắt máy.
Liên quan đến vấn đề này, cuối tháng 11/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Huệ Tuân với mức phạt là 400.000.000 đồng.
Nguyên nhân bị xử phạt do công ty này lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Ba Lan.
Bên cạnh đó, công ty không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, sau khi vi phạm hành chính, công ty đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm. Vì vậy, công ty bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 12 tháng kể từ ngày 27/11/2020. Về biện pháp khắc phục, công ty buộc hoàn trả đầy đủ tiền cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn bặt vô âm tín./.