anh-bai-duoi-1641784716.jpg
Bị cáo Nguyễn Thị Thuỳ Trang 

Tại phiên tòa sơ thẩm vừa được mở mới đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) ghi nhận tình tiết mới là những tin nhắn trao đổi giữa bị cáo Trang và một người liên quan khác về việc vay mượn hơn 5 tỷ đồng. HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết mới, xác định người liên quan trên có phải là bị hại hay không.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thùy Trang từng là cán bộ công tác tại ngành Công an. Đến giữa năm 2012, Trang chuyển công tác làm Trưởng bộ phận kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển gạo Việt (thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc - Vinafood 1). Tháng 7/2019, Trang bị kỷ luật và bị cho nghỉ việc.

Mặc dù không được phép kinh doanh gạo với tư cách cá nhân nhưng Trang vẫn nói với mọi người là mình kinh doanh xuất khẩu gạo ra nước ngoài, lợi nhuận cao. Nếu có tiền thì cho Trang vay hoặc góp vốn với Trang, sau mỗi chuyến xuất khẩu gạo Trang sẽ trả lợi nhuận. Để mọi người tin tưởng giao tiền, lúc đầu, Trang đã trả lại số tiền gốc và kèm theo một số tiền nói là lợi nhuận.

Trang còn thuê người làm giả đăng ký xe ô tô loại sang Audi, làm giả Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, sử dụng các giấy tờ này để đảm bảo cho các khoản vay.

Một trong những nạn nhân bị Nguyễn Thị Thùy Trang lừa nhiều tiền nhất là chị Nguyễn Thị Hải Ngọc (trú tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), bạn học thời phổ thông với Trang. Tháng 11/2017, Trang nhắn tin qua facebook cho chị Ngọc nói về việc Trang đã làm kinh doanh xuất khẩu gạo “ké” các lãnh đạo tại Vinafood 1. Nếu chị Ngọc có tiền thì gửi cho Trang để Trang góp vốn giúp dưới danh nghĩa của Trang, cứ 100 triệu đồng thì lợi nhuận được 10 triệu đồng/tháng.

Tin tưởng, chị Ngọc đồng ý đưa tiền cho Trang để góp vốn kinh doanh gạo. Trang nói, mỗi lần Trang báo chuyến tàu, thời gian tàu đi, số tiền góp và lợi nhuận để chị Ngọc chuyển tiền góp vốn cho Trang theo từng chuyến.

Ngày 28/11/2017, chị Ngọc chuyển khoản cho Trang 250 triệu đồng để góp vốn kinh doanh gạo trong 3 ngày, lợi nhuận Trang báo là 3 triệu đồng. Đúng 3 ngày sau, Trang chuyển trả lại vào tài khoản chị Ngọc 253 triệu đồng, làm chị Ngọc thêm tin tưởng.

Từ đó, khi Trang nói có chuyến tàu gạo xuất khẩu và Trang huy động tiền từ chị Ngọc thì chị này dễ dàng đồng ý.

Cơ quan tố tụng xác định, từ ngày 25/11/2017 đến ngày 28/4/2019, vợ chồng chị Ngọc đã chuyển 116 lần cho Trang với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Thời gian sau đó, Trang đã chuyển trả chị Ngọc 127 lần với tổng số tiền hơn 35,5 tỷ đồng. Hiện Trang còn chiếm đoạt của chị Ngọc hơn 14,3 tỷ đồng.

Trường hợp khác, khoảng tháng 5/2016, đến tháng 6/2018, vợ chồng anh Lê Anh Tuấn (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đưa cho Nguyễn Thị Thùy Trang vay nhiều lần với tổng số tiền là 5 tỷ 532 triệu đồng. Trang đã trả cho anh Tuấn 20 triệu, còn nợ chưa trả là 5 tỷ 512 triệu đồng.

Với thủ đoạn vay tiền hoặc góp vốn xuất khẩu gạo theo chuyến với lợi nhuận cao nêu trên, từ tháng 3/2015 đến ngày 14/4/2019, Nguyễn Thị Thùy Trang đã lừa đảo, chiếm đoạt của hàng chục người với tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng. Đến nay, Trang mới trả lại cho các bị hại tổng số tiền là hơn 76 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 84 tỷ đồng./.