Mọi thủ tục mà phía Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank Hà Tĩnh) với ông Trần Bá Công và Bà Hoàng Thị Ánh Tuyết tiến hành có đúng luật? Cán bộ tín dụng có làm tròn trách nhiệm hay buông lỏng, làm cho qua chuyện, vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng dẫn đến kiện tụng kéo dài, có "dấu hiệu" thất thế trong kiện tụng là những thắc mắc của người dân đối với Vietcombank Hà Tĩnh.
 
Ngân hàng "siết nợ"
 
Theo tìm hiểu của PV, nguồn cơn sự việc bắt đầu từ năm 2011. Do có mối quan hệ, ông Trần Vĩnh Hạp và bà Nguyễn Thị Nguyệt đã đồng ý bảo lãnh cho ông Trần Bá Công vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh. Ngày 24/01/2011, ông Hạp và bà Nguyệt đã ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 141 với ngân hàng.
 
Ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh đã giải ngân cho ông Công vay 1.200.000.000 đồng bằng 03 hợp đồng tín dụng: Hợp đồng tín dụng số 11/12511 ký ngày 30/11/2011 vay 300.000.000 đồng, thời gian vay vốn 12 tháng; Hợp đồng tín dụng số 12/12095 ký ngày 27/3/2012 vay 450.000.000 đồng, thời gian vay vốn 12 tháng; Hợp đồng tín dụng số 12/12015 ký ngày 29/3/2012 vay 450.000.000 đồng, thời gian vay 10 tháng.
 
Đến hạn thanh toán các hợp đồng vay trên, nhưng ông Công chỉ mới trả được gốc và lãi của hợp đồng tín dụng số 11/12511 với số tiền gốc 300.000.000 đồng. Ngày 14/8/2013, tại phòng giao dịch ngân hàng Vietcombank Cẩm Xuyên, có mặt của bên vay, bên thế chấp, đại diện ngân hàng, cơ quan công chứng, đại diện chính quyền địa phương, các bên đã thống nhất đến ngày 31/12/2013, ông Hạp và ông Công cam kết trả nợ cho ngân hàng số tiền gốc là 400.000.000 đồng và lãi phát sinh; ngân hàng đồng ý cho ông Hạp vay thêm 500.000.000 đồng để tháo gỡ khó khăn các bên.
 
Sau một thời gian ông Công vẫn không thanh toán được gốc và lãi phát sinh. Số tiền vay đến ngày 22/5/2014 là 1.137.787.500 đồng. Ngân hàng đã đưa vụ việc ra toà án xử lý để thu hồi khoản vay theo quy định.
 
Kiện tụng kéo dài
 
Thế nhưng, ông Trần Bá Công, người được ông Trần Vĩnh Hạp đứng ra bảo lãnh cho khoản vay lại cho rằng ông Hạp và bà Nguyệt không hề hay biết mọi giao dịch vay vốn kể trên với ngân hàng và đề nghị ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hạp.
 
Theo ông Công, ngày 24/1/2011, ông Hạp sử dụng tài sản là nhà để bảo lãnh cho ông Công vay 300.000.000 đồng của ngân hàng. Trong đó, ông Hạp sử dụng số tiền 200.000.000 đồng, ông Công sử dụng số tiền 100.000.000 đồng. Sau đó, ông Công dùng hợp đồng kể trên để vay thêm 1.000.000.000 đồng của ngân hàng bằng 02 khế ước, 1 khế ước vay 300.000.000 đồng và 1 khế ước vay 700.000.000 đồng. Khoản vay 300.000.000 đồng ông Công đã thanh toán, còn khoản vay 700.000.000 đồng thì ông Công chưa thanh toán. Sau lần đảo nợ cuối cùng, khoản vay 700.000.000 đồng được chuyển thành 02 khế ước vay, mỗi khế ước vay 450.000.000 đồng, tổng 900.000.000 đồng.
 
Ông Hạp và bà Nguyệt đồng quan ý kiến với ông Công ở khoản vay 300.000.000 đồng. Về khoản vay này, ông bà đã thanh toán cho ngân hàng và các khoản sau ông bà không hề hay biết.
 
"Khi ký các hợp đồng thế chấp với ngân hàng thì ông bà đọc không kỹ, chỉ ký vào trang cuối cùng còn các trang trước thì không rõ và không ký nháy", ông Hạp và bà Nguyệt trình bày trong nội dung vụ án.
 
Tại các phiên sơ thẩm và phúc thẩm, toà nhận định ông Công và bà Tuyết nợ ngân hàng số tiền gốc là 900.000.000 đồng và tiền lãi trong hạn là 291.925.000 đồng, tiền lãi quá hạn là 46.872.500, tổng cộng 1.238.797.500 đồng.
 
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2016/DSPT ngày 13/4/2016, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định ông Công và bà Tuyết phải trả tổng số tiền nợ kể trên. Tuyên hợp đồng thế chấp 141 giữa Ngân hàng Vietcombank với ông Hạp và bà Nguyệt là vô hiệu, buộc Ngân hàng Vietcombank phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hạp và bà Nguyệt.
 
Đến nay, vụ kiện lại "quay trở về vạch xuất phát" khi toà án nhân dân tối cao đã chấp thuận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, giao hồ sơ cho toà án nhân dân huyện Cẩm Xuyên để tiến hành xét xử lại theo thủ tục sở thẩm.
 
 
Nhà ông Trần Bá Hạp
 
Ngân hàng có vô can?
 
Liên quan đến vụ việc kể trên, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, liệu mọi thủ tục mà phía ngân hàng Vietcombank tiến hành có đúng luật? Cán bộ tín dụng có làm tròn trách nhiệm hay buông lỏng, làm cho qua chuyện, vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng dẫn đến kiện tụng kéo dài, khi có "dấu hiệu" thất thế trong vụ kiện lần này. PV đã liên hệ Ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh để làm rõ những nghi vấn kể trên.
 
Đặt dấu hỏi về việc trách nhiệm của cán bộ tín dụng và hội đồng tín dụng trong việc thẩm định tài sản thế chấp đứng tên là hộ gia đình. Theo đó, hộ gia đình ông Hạp và Bà Nguyệt gồm 4 thành viên, tại thời điểm tiến hành thế chấp, 2 người con của họ là anh Tâm và anh Phúc đều đã trên 15 tuổi nhưng không có ý kiến thể hiện sự đồng ý và cũng không ký vào hợp đồng thế chấp với phía ngân hàng.
 
Trao đổi với ông Phan Viết Phong, Giám đốc Vietcombank Hà Tĩnh về vấn đề này, ông Phong quả quyết là Ngân hàng làm đúng quy trình,quy định, đúng pháp luật; còn quy định nào, điều khoản mấy của luật nào thì ông Phong bảo PV tự tìm hiểu.
 
"Đúng luật" là vậy sao? Theo Khoản 2, Điều 146 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành luật đất đai năm 2003: "Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự".
 
Việc cán bộ ngân hàng, hội đồng thẩm định, tín dụng khi đó tiến hành cho ông Hạp và bà Nguyệt thế chấp khi đó bỏ qua 2 người con đủ năng lực hành vi dân sự, dẫn đến việc toà án xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 141 ngày 24/01/2011 giữa Ngân hàng Vietcombank và ông Hạp, bà Nguyệt là vô hiệu 1 phần. Điều này liệu có "đúng luật", có do lỗi chủ quan hay thiếu hiểu biết về pháp luật gây nên, có làm thất thoát tiền của nhà nước hay không?
 
Theo ông Trần Vĩnh Hạp - chủ sở hữu tài sản trao đổi với PV, việc tài sản của ông bảo lãnh cho ông Trần Bá Công vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh lần đầu tiên mà ông có ký vào biên bản thẩm định giá trị tài sản là 300 triệu đồng, nhưng sau đó số tiền ngân hàng cho ông Trần Bá Công vay tiếp 2 lần nữa nên số nợ mới tăng lên như thế.
 
Liệu có hay không sự tắc trách, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ Ngân hàng dẫn tới vụ kiện “đằng đẵng” mà đến nay vẫn chưa có hồi kết. Và, có hay không việc thất thoát tiền của Nhà nước xảy ra tại Ngân hàng Vietcombank Hà Tĩnh?