Nguy cơ tiềm ẩn từ nhà máy bỏ hoang

Thời gian gần đây, không ít người dân ở xóm 3, xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có phản ánh về việc nhà máy chế biến thịt thỏ thương phẩm đóng trên địa bàn không hoạt động nhiều năm, khuôn viên rậm rạp, nhếch nhác khiến cảnh quan địa phương bị ảnh hưởng, nguy cơ xảy ra tệ nạn xã hội ở khu vực này.

Anh Lê Văn Sơn (xã Sơn Trường) cho biết, khoảng 3 năm nay người dân ở đây không thấy nhà máy hoạt động. Bên trong nhà máy, máy móc hoen gỉ, cỏ dại mọc um tùm, thỉnh thoảng chỉ thấy người bảo vệ qua lại đóng, mở cổng.

1-1646363412192-1646472271.jpeg
Cổng vào nhà máy cỏ dại mọc um tùm.

"Nhà máy không hoạt động, chúng tôi lo sợ tạo môi trường cho các loài bò sát, rắn, rết phát triển, trẻ nhỏ chơi quanh khu vực này gặp nguy hiểm. Không những thế, về lâu dài có thể các đối tượng nghiện ngập tụ tập gây mất tình hình an ninh trật tự", anh Sơn bày tỏ.

Theo tìm hiểu, nhà máy chế biến sản phẩm thịt thỏ ở xóm 3, xã Sơn Trường, Hương Sơn được đầu tư 6 tỷ đồng. Trong đó, 2,1 tỷ đồng từ ngân sách của Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo và Dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh (SRDP-IWMC); 3,8 tỷ đồng vốn của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội.

2-1646363469973-1646472299.jpeg
Trong khuôn viên nhà máy không có một bóng người.

Mục tiêu đầu tư là xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất chăn nuôi đến thị trường ổn định, bền vững, nhằm hình thành vùng chăn nuôi thỏ ổn định, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thịt thỏ với công suất từ 400.000 đến 800.000 con/năm.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu cho doanh nghiệp và đóng thuế cho ngân sách nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

5-1646363517174-1646472326.jpeg
Một số thiết bị máy móc đã hoen gỉ sau nhiều năm không được vận hành.

Cuối năm 2015, nhà máy được cấp phép hoạt động, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Thời gian đầu, cơ sở chế biến thịt thỏ là nơi giải quyết nguồn đầu ra cho hơn 1.000 hộ chăn nuôi thỏ thuộc 5 huyện như Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Lộc Hà và Kỳ Anh với quy mô khoảng 12.000 con. Sản lượng trung bình cơ sở chế biến là 500kg thịt/ngày, với các sản phẩm như xúc xích, thịt thỏ hun khói và cấp đông...

Sau một năm hoạt động, do thị trường khan hiếm nên nhà máy phải nhập nguyên liệu từ miền Bắc vào để cầm chừng. Cuối năm 2017, nguồn đầu ra thiếu ổn định khiến nhà máy hoạt động thua lỗ, cầm chừng, chỉ giữ lại 6-7 nhân viên. Đến 2019, rút hết nhân sự, chỉ thuê một bảo vệ thỉnh thoảng qua lại trông coi tài sản.

Sẽ thu hồi nếu không có lộ trình thích hợp

Về nguyên nhân nhà máy dừng hoạt động, theo bà Thang Thanh Hoa - Giám đốc Công ty thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội, thời điểm nhà máy đi vào hoạt động Hà Tĩnh xảy ra sự cố môi trường biển, người dân ít ăn hải sản nên các loại thực phẩm khác đắt hàng. Các hộ nuôi thỏ đã bán thỏ ra thị trường bên ngoài thay vì nhập cho công ty. Diễn biến này khiến nhà máy không có nguyên liệu sản xuất, phải nhập từ miền Bắc vào làm cầm chừng, cộng với 2 năm qua dịch bệnh phức tạp nên công ty ngừng hẳn hoạt động.

3-1646363585824-1646472323.jpeg
Một số hạng mục của nhà máy đã bị mối mọt, xuống cấp nhếch nhác.

Trao đổi với Dân trí, ông Lê Đức Thuận - Chủ tịch UBND xã Sơn Trường (huyện Hương Sơn) - cho biết, nhà máy chế biến thịt thỏ được cải tạo từ trường cấp 2 ở địa phương, nguồn đất này do tỉnh quản lý. Nhà máy không hoạt động lâu năm khiến cảnh quan ở đây nhếch nhác, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng tiến độ nông thôn mới của địa phương.

Trong lúc xã Sơn Trường đang xây dựng nông thôn mới, vận động người dân xóa bỏ cây tạp, phát huy lợi thế về tài nguyên đất để phát triển kinh tế thì nhà máy bỏ hoang như vậy nên người dân đã có nhiều ý kiến.

4-1646363691276-1646472384.jpeg
Các thiết bị, vật tư trong nhà kho bị vứt ngổn ngang.

"Quan điểm của địa phương là nhà đầu tư tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh tránh lãng phí tài nguyên, bên cạnh đó đảm bảo về môi trường cũng như an ninh trật tự. Xã cũng có đề nghị nếu nhà đầu tư không có khả năng khôi phục thì hoàn trả lại để phục vụ vào mục đích khác, có hiệu quả phát triển kinh tế", ông Thuận nói.

Còn đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, tại các cuộc làm việc với địa phương, nhà đầu tư xin giữ lại dự án, có thêm thời gian để tìm đầu ra, khôi phục sản xuất nhằm thu hồi vốn. Sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục có cuộc làm việc với đại diện nhà máy, yêu cầu họ đưa ra lộ trình thích hợp, nếu không làm được cần điều chỉnh quy mô hoặc chấm dứt dự án./.