Sản lượng ít
Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Tranh ở thôn Tân Quý, xã Hộ Độ (Lộc Hà) luôn tất bật ở ao nuôi để “bòn” nốt những mẻ tôm còn sót lại. Lưới chuyên dụng được đặt liên tục cả ngày lẫn đêm nhưng cũng chỉ 5-7 kg tôm/ngày.
Không được nhiều nhưng ông vẫn vui vì giá cao, người mua đến ao chờ sẵn vì tất cả các hộ nuôi kế bên không còn ai có tôm lớn.
Ông Tranh cho biết: “Gia đình tôi có 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng xen cua và cá với tổng diện 1,7 ha. Vụ vừa rồi tôi thả 20 vạn con tôm giống, nhưng đợt mưa lụt cách đây hơn nửa tháng đã phải thu hoạch “non” để lấy vốn vì sợ ảnh hưởng của bão số 7.
Hiện nay, dù vét dọn hồ chỉ được vài tạ nhưng bán lẻ được giá cao (290 ngàn đồng/kg loại 40 con/kg, 180 ngàn đồng/kg loại 60 con/kg) nên cũng vui”.
Cách ông Tranh con sông Hộ Độ, anh Nguyễn Văn Phú đang gấp rút chăm sóc các ao tôm sau đợt mưa rét kéo dài. Dù tôm đã thu hoạch được, nhưng vì giá cả đang lên nhanh, thời tiết thuận lợi nên anh chưa thu hoạch, mà đang tập trung chăm sóc để 7-10 ngày nữa xuất bán với giá cao hơn.
Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên lượng tôm ở các vùng nuôi không nhiều, sản lượng xuất bán hằng ngày không đáng kể. Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Toàn huyện có 267 ha nuôi tôm, nhưng vừa rồi vì mưa bão phải thu hoạch sớm và một số diện tích bị dịch bệnh nên hiện chỉ có khoảng 80 ha đang có tôm. Tuy nhiên, số diện tích đang sản xuất này chủ yếu là tôm vụ đông mới thả, kích cỡ trên 100 con/kg, số diện tích có thể cho thu hoạch gần như đã hết”.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) thông tin thêm: “Tại thời điểm này, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 1.600 ha, chủ yếu là quảng canh, xen canh, còn diện tích nuôi thâm canh khá ít. Theo ước tính, lượng tôm lớn có thể xuất bán hiện không nhiều, chỉ có khoảng 1.000 tấn loại dưới 100 con/kg. Việc thu hoạch tùy thuộc vào tình hình thực tế tại ao nuôi nhưng đa số sẽ nuôi đủ cỡ lớn mới bán, ngoại trừ gặp sự cố”.
Thị trường khan hiếm, giá tăng “phi mã”
Là khu chợ buôn bán hải sản lớn của vùng, nhưng 5 phiên gần đây ở chợ Trại (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) chỉ có vài ba kg tôm được bán mỗi phiên. Dù khá nhiều khách hàng hỏi mua nhưng tiểu thương vẫn phải “bó tay” vì nguồn hàng khan hiếm nên phải tạm thời chuyển sang buôn bán các loại hải sản khác.
Chị Nguyễn Thị Oanh (một người chuyên bán tôm ở chợ Trại) cho biết: “Bình thường ở đây có khoảng 7-8 người bán tôm, với số lượng từ 8-15/kg/người/phiên, nhưng giờ tôm vừa đắt vừa hiếm nên chẳng có để bán. Mặt khác, nếu có bán thì giá cũng rất đắt nên người dân không dám mua ăn, chỉ trừ khi nhà nào có công chuyện đại sự. Tôi cũng đã liên hệ với nhiều mối hàng khác ở khắp cả tỉnh nhưng đều trong tình trạng khan hiếm chung".
Cách đây chưa đầy 1 tháng, thị trường tôm ế ẩm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và người dân bán “chạy” lụt. Lúc đó, mỗi kg tôm chỉ có 140 ngàn đồng (loại 40 con/kg), 125 ngàn đồng (loại 50 con/kg), 110 ngàn đồng (loại 60 con/kg), 100 ngàn đồng/kg (loại 70 con/kg), 80-90 ngàn đồng (loại 80-100 con/kg).
Nhưng nay, mức giá bán sỉ đã tăng từ 40-100 ngàn đồng/kg tùy loại mà không có hàng.
Anh Nguyễn Tiến Quyết - một người chuyên thu mua tôm với số lượng lớn ở Hà Tĩnh nhận định: “Khoảng 1 tháng tới, giá tôm sẽ tiếp tục tăng do thị trường lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… mở cửa. Sau một thời gian dài bị phong tỏa, mọi công chuyện đại sự của người dân bị đình trệ nên nay sẽ tổ chức khá ồ ạt, khiến nhu cầu mặt hàng này tăng cao. Trong khi đó tôm vụ đông ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ khó nuôi, chậm lớn nên nguồn càng khan hiếm.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và tình hình nuôi trồng ở Hà Tĩnh cũng như các tỉnh lân cận, tôi cho rằng giá tôm năm nay có thể đạt đỉnh như cách đây 4 năm. Lúc đó, mức giá bán sỉ khoảng 300 ngàn đồng/kg đối với loại 40 con, khoảng 240 ngàn đồng/kg loại 50 con, còn các loại tôm thương phẩm cỡ nhỏ hơn cũng có giá cao gấp đôi so với đợt tháng 8 âm lịch vừa rồi”./.