g-1705020858.jpg
Nước sử dụng ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của người dân tại một số xã dọc tuyến Quốc lộ 15 ở huyện Can Lộc chủ yếu là nước mưa

Dọc tuyến Quốc lộ 15 qua địa bàn các xã Thường Nga, Phú Lộc, Gia Hanh… của huyện Can Lộc có rất nhiều hộ dân phải sử dụng nước mưa để sinh hoạt hằng ngày. Theo người dân nơi đây, nếu khoan giếng sâu trên 30m thì nước có vị mặn, còn khoan cạn hơn thì nước nhiễm chua phèn, màu vàng đục và có mùi hôi tanh.

gg-1705020887.PNG
Anh Phạm Viết Đại ở xã Thường Nga, huyện Can Lộc thường xuyên sử dụng nước mưa vì nước giếng khoan bị nhiễm phèn, nhiễm mặn

Anh Phạm Viết Đại ở thôn Đông Nam, xã Thường Nga cho biết, từ năm 2003 đến nay gia đình anh đã khoan 3 giếng, nhưng nước ở tất cả các giếng đều không thể sử dụng. Do vậy anh phải đầu tư gần 30 triệu đồng xây 2 bể chứa nước mưa với thể tích 16m3 để phục vụ sinh hoạt.

“Mùa mưa lũ, các bể nước cơ bản đủ để dùng, còn mùa hạn hán kéo dài thì phải dùng can nhựa đi mua nước ở nhiều nơi, rất bất tiện. Hứng nước mưa từ mái tôn thường có nhiều bụi bặm, rác rưởi, nước sinh hoạt không sạch tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài”, anh Phạm Viết Đại cho biết thêm.

ggg-1705020918.PNG
Những vị trí khoan giếng nguồn nước đều không sạch, buộc phải lấp bỏ

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể từ chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn về thực trạng người dân sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 15 bị thiếu nước sạch. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì có hàng trăm hộ dân đã từng đào giếng, khoan giếng nhưng nước vẫn bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể sử dung. Điều đó cho thấy, dù các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng tiêu chí nước sạch có lẽ vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra.

“Hầu hết người dân sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 15 chủ yếu dùng nước mưa, vì nước giếng đào, giếng khoan không thể sử dụng do nhiễm phèn, nhiễm mặn. Địa phương rất quan tâm vấn đề nước sạch, nhưng việc huy động nguồn lực xây dựng công trình cấp nước tập trung còn khó khăn. Trước mắt chỉ tuyên truyền mọi người sử dụng nước mưa tiết kiệm, nhất là thời điểm hạn hán kéo dài”, ông Nguyễn Duy Vỵ- Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết.

Dọc tuyến Quốc lộ 15 đoạn qua địa bàn các xã Thường Nga, Phú Lộc, Gia Hanh thuộc vùng thấp trũng. Hầu hết nhà ở của người dân đều sát đồng ruộng, đầm lầy, đó có thể là nguyên nhân dẫn đến khoan giếng nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Ngoài ra cũng có thể do điều kiện địa chất, thủy văn của từng tiểu vùng khác nhau nên chất lượng nguồn nước ngầm không đảm bảo.

“Vùng Trà Sơn có hồ Vực Trống trữ lượng nước rất lớn. Huyện đã nắm bắt được thực trạng thiết nước sạch tại một số vùng ven dãy Trà Sơn. Do vậy, trong quy hoạch vùng cấp nước tập trung, địa phương đang tích cực kết nối với các Sở, ngành, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa công trình cấp nước, đáp ứng tiêu chí nước sạch theo quy định”, ông Bùi Chiến Thắng- Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch UBND huyện Can Lộc thông tin.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế và Đô thị, đại diện lãnh đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết, các địa phương đã được hưởng lợi từ công trình cấp nước tập trung nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nguyên nhân nguồn nước tại các xã Thường Nga, Phú Lộc, Gia Hanh... bị nhiễm phèn, nhiễm mặn có thể do điều kiện thổ nhưỡng ở vùng này.

gf-1705020944.PNG
Quốc lộ 15 đoạn qua huyện Can Lộc nơi có rất nhiều hộ gia đình "khát " nước sạch

Nước sạch là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Việc người dân tại một số xã dọc tuyến Quốc lộ 15 ở huyện Can Lộc "khát" nước sạch không chỉ gây khó khăn trong đời sống, sinh hoạt mà còn đặt ra nhiều việc phải làm cho cấp ủy, chính quyền sở tại trong lộ trình đưa nước sạch về với các vùng quê nông thôn.