Lần đoàn tụ không hẹn trước
Sáng 10/3, trong ngôi nhà của ông Trương Xuân San (SN 1950, trú tổ dân phố Hợp Tiến, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) có tiếng cười đùa của con cháu sau nhiều ngày ông nóng ruột chờ đợi. Đây là lần trở về không hẹn trước của các con, cháu ông.
Ông San kể, năm 1999, cuộc sống vất vả, con trai đầu của ông là anh Trương Xuân Bình (SN 1980) quyết định sang trời Tây tìm cơ hội đổi đời. Sau hơn 10 năm làm ăn khấm khá, có chỗ đứng nơi xứ người, anh Bình đã rủ thêm 2 người em là anh Trương Xuân Minh (SN 1983) và Trương Xuân Tuấn (SN 1990) lần lượt sang Ukraine.
Đến năm 2019, anh Bình trở về nước vào TPHCM xây dựng cơ nghiệp, còn anh Minh và anh Tuấn cùng vợ con vẫn bám trụ làm ăn và sinh sống ở Ukraine. Đến nay, ông San có 7 người là dâu con và cháu ở đất nước này.
Cuộc sống tuy xa cách nhưng ít năm một lần anh Minh và anh Tuấn đều dẫn vợ con về thăm bố mẹ và thường xuyên liên hệ với gia đình nên tình cảm ông bà, con cháu vẫn luôn đong đầy. Điều khiến ông San vui hơn là con, cháu ông đều có công ăn việc làm ổn định, thích nghi với cuộc sống nơi mà họ xem là quê hương thứ 2 của mình.
Tuy nhiên, khi cuộc sống của con, cháu ông San đang ổn định tại Ukraine thì chiến sự xảy ra, khiến ông và gia đình ở quê nhà như ngồi trên đống lửa, ông San kể: "Ngày 24/2, khi ngồi xem tivi được biết Nga đưa quân vào Ukraine, nhiều thành phố bị không kích khiến tôi hết sức lo lắng, cố gắng liên lạc với con, cháu".
Mặc dù nóng ruột nhưng khi kết nối được với các con, ông San luôn dặn dò phải hết sức bình tĩnh, không được hoảng loạn. "Tôi từng tham gia kháng chiến ở Lào và chiến dịch biên giới phía Bắc năm 1979 nên tôi hiểu sự ác liệt của bom đạn. Tuy nhiên, trong tình thế cấp bách thì tốt nhất phải giữ được sự bình tĩnh", ông San nói.
Nói là thế nhưng trước tình hình chiến sự căng thẳng đã khiến ông mất ăn mất ngủ. Phần vì lo lắng cho sự an toàn, phần thương các cháu nhỏ, đặc biệt là con út của anh Tuấn mới hơn 2 tuổi. Phải đến khi biết gia đình các con đã di tản khỏi vùng chiến sự và an toàn, nỗi lo của ông San mới bớt đi phần nào.
"Nghe tin vợ chồng Tuấn và 2 con nhỏ được đón về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN88, cả đêm đó tôi không ngủ được vì mong ngóng được gặp con, cháu", ông San kể tiếp.
Tối 9/3, sau khi hoàn thành các thủ tục phòng, chống Covid-19, ông San đón gia đình anh Tuấn về và cả nhà đã có bữa cơm tối sau 5 năm xa cách. Còn gia đình anh Minh đang ở Romania chờ được lên chuyến bay sớm nhất có thể để trở về đoàn tụ với gia đình ở quê nhà.
"Tôi thực sự rất biết ơn các cơ quan, ban, ngành, Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tạo điều kiện giúp đỡ để các cháu có thể an toàn về quê hương", ông San chia sẻ.
Vẫn mong ngày trở lại
Gần 15 năm lập nghiệp tại Ukraine, ngay cả trong mơ anh Tuấn và vợ là chị Trần Thị Hương (SN 1991) cũng không nghĩ có ngày phải bỏ lại sự nghiệp, tài sản để trở về quê hương "giữ mạng". Dù trở về an toàn, được đoàn tụ với gia đình nhưng anh chị vẫn còn rất nhiều điều luyến tiếc nơi mà họ luôn xem là quê hương thứ 2 của mình.
"Chúng tôi sang đó lập nghiệp bằng nghề buôn bán quần áo, người dân Ukraine khu vực tôi sống họ rất hòa đồng, hay giúp đỡ người khác, tôi còn chơi rất thân với mấy anh bạn hàng xóm, sau khi chiến sự xảy ra, họ cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình tôi. Thật sự nếu không có chiến sự thì gia đình tôi cũng xác định sẽ định cư lâu dài ở bên đó", anh Tuấn tâm sự.
Nhớ lại rạng sáng 1/3, lúc đó khoảng 3h, khi tất cả đang chìm trong giấc ngủ thì những tiếng nổ lớn ở ngoại ô thành phố Odessa (Ukraine) khiến ai nấy cũng giật mình.
Những ngày tiếp theo số lần bom nổ và máy bay trên bầu trời xuất hiện rất nhiều, đường phố bắt đầu náo loạn, anh Tuấn quyết định đưa vợ con xuống tầng hầm để xe trú ẩn. Mỗi khi có tiếng nổ lớn rung trời, anh Tuấn và vợ chỉ biết cắn chặt môi ôm những đứa con đang run sợ vào lòng. Không thể để vợ con tiếp tục chịu đựng cảnh sống dưới tầng hầm, anh Tuấn quyết định theo đoàn người rời khỏi vùng chiến sự.
Sau khi kết thúc hành trình dài khoảng 1.000 km, từ Odessa đến cửa khẩu biên giới Moldova và sau đó sang Romania; ngày 8/3, gia đình anh Tuấn có tên trong danh sách được đưa về nước.
Chị Hương kể, khi rời Ukraine để về quê lánh nạn, vợ chồng chị chấp nhận bỏ lại hàng hóa cùng nhiều khoản tiền mà khách chưa thanh toán. Nhưng theo chị Hương, so với nhiều người Việt khác thì gia đình chị còn đỡ vì chưa mua nhà cửa, đất đai bên đó nhiều. Như vợ chồng anh Minh (anh trai chồng chị Hương) mua một căn nhà gần 2 tỷ đồng cách đây 5 tháng, giờ cũng đành bỏ lại để về Việt Nam.
"Mất mát về tài sản thì ai cũng phải chấp nhận vì tất cả mọi người đều phải lánh nạn nhưng sự nghiệp hàng chục năm trời và chúng tôi cũng xem đó là quê hương thứ 2, nay phải rời xa không biết đến bao giờ mới có thể quay lại, thật sự rất tiếc nuối", chị Hương chia sẻ.
Cũng theo chị Hương, trở về quê, gia đình chị cũng chưa biết bắt đầu lại từ đâu, tìm kiếm việc gì để làm bởi chị đã quen với môi trường sống ở Ukraine. Bây giờ mọi người đều mong chiến sự sớm kết thúc để có thể tiếp tục sang đó làm lại.
"Nếu chiến sự sớm kết thúc chúng tôi sẽ quay lại bên kia làm việc, còn không cũng phải kiếm việc khác ở quê nhà vì còn con nhỏ nữa. Nhưng trước hết là phải chăm bố mẹ, rất lâu rồi tôi mới có cơ hội được về nhà lâu như vậy", chị Hương chia sẻ thêm.
Theo thống kê ban đầu của Sở Ngoại vụ, Hà Tĩnh hiện có khoảng 195 công dân đang sinh sống, làm việc, học tập ở Ukraine và tập trung chủ yếu tại thủ đô Kiev và 2 thành phố lớn là Odessa và Kharkov. Qua rà soát có khoảng 133 công dân có nguyện vọng trở về nước, hiện hầu hết công dân Hà Tĩnh đã sang các nước Ba Lan, Romania, Moldova để lánh nạn…
Đã có 2 chuyến bay đón gần 600 công dân Việt Nam làm việc, học tập, sinh sống ở Ukraine trở về; trong đó khoảng 45 công dân Hà Tĩnh đã về quê an toàn./.