a-1655111458.jpg
Đê Tả Nghèn đoạn gần cầu Hạ Vàng, huyện Can Lộc

Đê Tả Nghèn đoạn gần cầu Hạ Vàng thuộc địa bàn xã Thiên Lộc mặt đê đã bị chiếm dụng, lắp đặt nhiều xưởng cưa gỗ quy mô lớn. Qua quan sát của phóng viên, tại đây, có gần 10 hộ gia đình đã dựng xưởng cưa để chế biến gỗ nhập khẩu và một ít gỗ rừng trồng, gỗ vườn…

b-1655111486.jpg
Mặt đê trở thành bãi tập kết gỗ với số lượng lớn

Để bảo vệ gỗ, các chủ xưởng cưa đã lắp đặt cửa thép kiên cố, đồng thời, dùng toàn bộ mặt đê để tập kết gỗ sai quy định. Việc làm này không chỉ gây khó khăn, cản trở trong đi lại, lao động sản xuất của Nhân dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu hộ, cứu nạn khi mưa lũ ập đến.

“Các xưởng cưa xây dựng đã lâu và có được cấp phép hay không thì chúng tôi không hay biết. Nhưng đã là đê chống lũ, hành lang phải thông thoáng. Lâu nay, mặt đê trở thành bãi tập kết gỗ và lắp đặt xưởng cưa, máy móc cồng kềnh là điều không thể chấp nhận” - Một người dân ở xã Thiên Lộc phản ánh.

c-1655111515.jpg
Gỗ tập kết ngổn ngang, máy móc, xe cộ cồng kềnh  cản trở việc đi lại trên đê Tả Nghèn

Đê Tả Nghèn đoạn từ cầu Hạ Vàng xã Thiên Lộc đến thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc dài khoảng 4km. Đây là công trình kiên cố, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống bão lũ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Nhân dân.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Mạnh Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: Lấn chiếm hành lang đê Tả Nghèn để xây dựng xưởng cưa gỗ là trái với quy định của Luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Tôi mới nhận nhiệm vụ công tác nên trước mắt sẽ giao cho phòng Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, nếu vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

d-1655111545.jpg
Đê Tả Nghèn như một cụm làng nghề chế biến gỗ 

Liên quan đến lấn chiếm hành lang đê Tả Nghèn, ông Trần Đức Thịnh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho rằng: Mặt đê, mái đê Tả Nghèn bị lấn chiếm dựng xưởng cưa gỗ diễn ra đã lâu. Tỉnh và các sở, ngành liên quan cũng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí ban hành văn bản, nhưng do huyện Can Lộc và các xã chưa xử lý nghiêm túc nên tình trạng vi phạm tái diễn.

Ông Trần Đức Thịnh cho biết thêm: Hiện nay, qua kiểm tra có hộ khi đắp đất làm mặt bằng đã lấp hệ thống cống tiêu thoát lũ, gây cản trở dòng chảy. Theo phân cấp, quản lý của tỉnh Hà Tĩnh, trách nhiệm bảo vệ đê, xử lý vi phạm ở đê Tả Nghèn thuộc về chính quyền huyện Can Lộc.

e-1655111573.jpg
Chiếm dụng đê Tả Nghèn để dựng xưởng cưa trái với quy định của pháp luật

Nhiều xưởng cưa gỗ ngang nhiên lấn chiếm đê Tả Nghèn suốt thời gian dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến an toàn đê điều, cản trở công tác cứu hộ cứu nạn mùa mưa lũ. Trong khi đó, các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh dù đã biết rõ mười mươi, nhưng lại không vào cuộc xử lý hoặc xử lý không nghiêm túc. Rõ ràng, đê Tả Nghèn sẽ không thể phát huy hiệu quả, công năng, nếu những xưởng cưa trên đê không được tháo dỡ, di dời./.