Như thường lệ, gần 4 giờ sáng, chị Lê Thị Hương ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim (Lộc Hà) lại có mặt tại bến cá Thạch Kim để mua hàng lên bán ở chợ Phố Châu (Hương Sơn). Do bán ở chợ miền núi, phải đi quãng đường xa hơn 50km, hải sản tươi mới được đánh bắt khan hiếm nên chị Hương buộc phải mua toàn hàng đông lạnh để bán lại.
Chị Lê Thị Hương cho biết: “Đợt này mưa rét kéo dài, tàu nằm bờ nhiều, lượng hải sản đánh bắt của ngư dân trên địa bàn không có nên nhiều ngày qua, tôi phải mua hải sản đông lạnh từ miền Nam chở ra. Tuy chất lượng không tốt bằng hải sản mới đánh bắt, người tiêu dùng cũng ít chuộng hơn nhưng do bán ở chợ xa nên mỗi ngày tôi vẫn có thể bán được từ 30 - 35 kg cá thu, cá chai, cá nục, các bớp, mực…”.
Trong quang cảnh nhộn nhịp của bến cá Thạch Kim, ông Phan Hùng ở thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên) cũng nhanh tay lựa chọn các loại hải sản đông lạnh.
Ông Hùng cho biết, mỗi ngày, cơ sở của mình có thể phân phối, tiêu thụ khoảng 4 – 5 tạ hải sản các loại tại chợ Hội (thị trấn Cẩm Xuyên), chợ Vực (xã Cẩm Duệ), chợ Cẩm Thành... Từ tết đến nay, thuyền của ngư dân Cẩm Xuyên cơ bản nằm bờ, hải sản tươi sống khá khan hiếm, giá cao nên ông phải đánh xe đông lạnh cỡ nhỏ ra bến cá lớn nhất tỉnh (Thạch Kim) này để mua hàng cấp đông.
Theo chị Trần Thị Huệ (TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà) - một tiểu thương ở bến cá Thạch Kim: “Bình thường, lượng hải sản được mua bán, trung chuyển qua bến cá và Cụm Công nghiệp Thạch Kim có thể đạt từ 30 - 40 tấn/ngày và 1/2 số này được đưa đến các chợ nội tỉnh. Thông thường, 1/4 hàng hóa mua bán ở đây là hải sản đánh bắt ở các vùng biển trong tỉnh. Tuy nhiên, từ tết Nguyên đán đến nay, các tiểu thương chỉ giao dịch hàng hải sản đông lạnh và nuôi ở vùng mặn lợ”.
Tại chợ hải sản ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) cũng trong tình trạng khan hiếm hải sản tươi mới được đánh bắt vì biển động, thuyền nằm bờ. Trái với quang cảnh hải sản tươi sống được đội tàu thuyền đánh bắt về bày bán la liệt trên đê như trước đây là cảnh buôn bán đìu hiu với các mặt hàng nuôi trồng (cá mú, cá sủ, cá chẽm...) được tiểu thương nhập về bán. Thỉnh thoảng có một vài mớ hải sản tươi sống mới đánh bắt ở biển về nhưng chỉ được bán cho khách “sang” với giá khá đắt (cá mú biển 450 – 500 ngàn đồng/kg, mực 250 ngàn đồng/kg, cá đù 220 ngàn đồng/kg).
Tương tự, hải sản đánh bắt ở những nơi khác cũng không đáng kể. Anh Phan Văn Phú - cán bộ Ban quản lý Các cảng cá Hà Tĩnh thông tin: “Bình thường, các cảng cá do đơn vị quản lý mỗi ngày tiếp nhận hơn khoảng 12 tấn hải sản các loại, thậm chí có ngày lên đến gần 20 tấn với hàng chục tàu thuyền ra vào. Song, đợt này, do thời tiết xấu nên bà con ngư dân đi biển sản xuất rất ít, mỗi ngày chỉ 5 - 7 tàu cập cảng (có ngày không có), lượng sản phẩm chỉ khoảng 1 - 1,5 tấn hải sản”.
Qua tìm hiểu tại các chợ và các tiểu thương buôn bán hải sản đầu mối cũng cho thấy, hải sản đông lạnh và hải sản nuôi đang chiếm lĩnh thị trường Hà Tĩnh hơn nửa tháng qua. Theo đó, các chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang... chủ yếu tiêu thụ hải sản đông lạnh (cá thu, cá giò, cá khế, cá cam...).
Tại các chợ ở những vùng ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, hải sản đa dạng hơn nhưng vẫn chủ yếu là sản phẩm nuôi trồng như: hến, hàu, cá vược, cá chim, cá chẽm; các loại hải sản ngon, “cao cấp” như: chim biển, cá thu câu, mực ống tươi, tôm he... hầu như vắng bóng. Theo dự báo, tình trạng này kéo dài ít nhất một tuần nữa, khi đợt mưa rét mới kết thúc.
Tiểu thương Nguyễn Thị Loan (chợ thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Những ngày qua, thị trường hải sản vẫn khá đang dạng nhưng chủ yếu là hàng đông lạnh và sản phẩm nuôi trồng chở ra từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và các tỉnh phía Nam khác. Nhu cầu thị trường đối với những mặt hàng loại này không lớn nên giá cả khá bình ổn: cá thu trồi dao động bình quân ở mức 190 ngàn đồng/kg, cá chẽm 120 ngàn đồng/kg, cá bớp từ 150 ngàn đồng/kg, cá đù 200 ngàn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng (loại 90 con/kg) 155 ngàn đồng/ kg…”./.