tai-xuong-1639285470.jpg
Ông thương binh ngậm ngùi nhìn vườn cam bị chặt phá

Cây ăn quả liên tục bị chặt phá.

Thời gian qua, gia đình ông Nguyễn Văn Trung, (thương binh 4/4, trú tại thôn Sông Con, xã  Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) hoang mang, lo lắng khi một nhóm người tại địa phương liên tục vào phần đất của gia đình sẻ phát, chặt hạ vườn cây ăn quả của gia đình. Đỉnh điểm nhất trong hai năm 2018, 2019, có lần nhóm người này vào sẻ phát, chặt gần 300 gốc cam của gia đình ông. Ông Trung cho biết, việc một số người vào chặt phá cây của gia đình tôi xảy ra từ năm 2010 cho đến nay. Khu vực bị chặt phá chỉ cách nhà 200m.

Ông Nguyễn Văn Trung buồn rầu: Năm 1977, sau khi tham gia chiến đấu tại chiến trường Miền nam, ông về quê sinh sống.  Sau đó, ông làm công nhân Công ty Hươu giống Hương Sơn. Năm 2000 gia đình ông được giao 4,1 ha đất rừng đồi theo dự án trồng rừng Việt Đức. Sau khi nhận đất, phía đỉnh đồi ông trồng rừng còn phía dưới chân đồi ông trồng các loại cây ăn quả. Đến năm 2003, ông được cấp GCNQSDĐ. Nhưng có một nhóm đối tượng tại địa phương cho rằng vùng đất này là đất nghĩa trang nên vào sẻ phát để làm nghĩa trang.

Theo tìm hiểu được biết: Trước năm 2000, vùng đất này được giao cho Công ty Hươu giống Hương Sơn sử dụng và quản lý. Sau đó, vùng đất này được chuyển sang thực hiện dự án trồng rừng. Phần đất này đã được cấp GCNQSDĐ cho ông Trung với thời hạn 50 năm.

Ông Trung bức xúc: Đất này, tôi được công ty cấp từ lâu, lúc đó, đi chiến đấu về, cuộc sống gia đình khó khăn nên gia đình cải tạo, trồng cây để phát triển kinh tế. Khi cây cối tốt tươi thì họ vào chặt phá cây của tôi với ý định làm nghĩa trang. Lần trước, họ vào chặt 250 cây, tôi đã chăm bón để cây tái sinh lại. Còn lần này họ chặt gần 100 cây, trong đó có cả cây tái sinh và 19 cây cam đã cho quả, họ chặt tận gốc để cây không thể tái sinh được. Trong năm 2018, đã 2 lần họ vào chặt phá vườn cam của tôi. Sau khi xảy ra sự việc tôi đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vừa rồi, họ lại tiếp tục vào sẻ phát, chặt cây của tôi khiến gia đình tôi rất bức xúc, hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Phương Nhung - con gái ông Trung kể: Hôm đó, họ vào chặt sẻ, tôi có xin họ là, các bác sẻ cỏ thì sẻ, chứ những cây cam xin các bác đừng chặt vì không ảnh hưởng gì cả. Nhưng họ vẫn cứ dùng rựa chặt tận đất. Nhóm người này họ lấy cớ là sẻ phát nghĩa trang, nhưng những cây cối của gia đình tôi trồng cách đó hơn 50m, không ảnh hưởng gì đến mồ mả của họ mà họ cũng chặt phá. Cha tôi đã đổ xương máu nơi chiến trường, khi trở về quê lại lao vào lao động sản xuất mà giờ lại gặp cảnh này nên ông rất suy sụp. Cha tôi, phần đã rất nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp có thẩm quyển giải quyết nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Chính quyền đã giao đất cho hộ gia đình.

Ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch UBND xã Quang Diệm cho biết: Sự việc chặt phá cây cam của ông Trung là có. Nhưng phần đất đó đang có tranh chấp, hiện nay vẫn chưa giải quyết xong. Dù là đất đang tranh chấp nhưng việc vào chặt phá cây cối như vậy là sai. Khi sự việc xảy ra, phía gia đình cũng đã có trình báo với chính quyền địa phương nhưng sự việc đang được huyện thụ lý, giải quyết. Ông Trung thắc mắc: Mỗi lần sự việc xảy ra gia đình tôi đều báo cáo chính quyền địa phương và công an, xã có cử người về lập biên bản nhưng sự việc vẫn cứ kéo dài?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Hương Sơn cho biết: Đất đó trước đây được cấp cho ông Trung khi ông còn là cổ đông của xí nghiệp Hươu giống từ năm 1999. Hiện nay, ông Trung đã được cấp giấy CNQSD đất. Năm 2004, các hộ dân khu vực đó đề nghị lấy khoảng 1 ha trong phần diện tích của ông Trung để làm nghĩa trang cho xóm Trại Hươu. Sau đó ông Trung có ý kiến và dừng lại cho đến nay.

20210205-114252-1639051939-1639285502.jpg
Có cây Keo sắp được khai thác cũng bị chặt

Từ năm 2009, ông Trung đã trồng cam, và các loại cây khác, sau đó thì cây cối bị một nhóm người chặt phá. Thời điểm đó việc giải quyết thuộc thẩm quyền của công an vì liên quan đến việc phá hoại tài sản. Còn việc quy hoạch nghĩa trang tại khu vực đó, cho đến nay, nhà nước chưa quy hoạch khu vực đó để làm nghĩa trang. Nếu xã, huyện quy hoạch khu vực đó làm đất nghĩa trang thì quyền lợi của ông Trung cũng phải được đảm bảo. Đây là hành vi phá hoại sản xuất cần phải nghiêm trị.

Còn đại diện phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hương Sơn cho hay: Phần đất đó trước được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Công ty hươu giống Hương Sơn. Phần đất bị các đối tượng vào chặt phá cây có số GCNQSDĐ số T505186, lô 19, tờ bản đồ số 08. Trong hồ sơ đo đạc bản đồ năm 2004, số diện tích ông Trung được cấp là 41.296m2. Thực tế, diện tích đất đó đã được ông Trung sử dụng từ lâu, phía trên thì ông trồng keo, phía dưới họ trồng các loại cây khác.

Trong bản đồ 2004, các hồ sơ khác không thể hiện khu vực nói trên là đất nghĩa trang. Còn trong quá trình quy hoạch xây dựng Nông thôn mới cũng không quy hoạch vùng đó làm nghĩa trang. Gia đình và dư luận không hiểu vì sao một sự việc kéo dài hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm?  Doanh nghiệp & Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./