Hà Tĩnh những ngày này đang hứng chịu các đợt rét đậm, rét hại của mùa đông. Mặc cho cái rét tê tái vì nỗi lo, vì miếng cơm manh áo, cư dân vạn chài ven sông Lam (huyện Nghi Xuân) vẫn cần mẫn mưu sinh.
Lênh đênh phận chài
Men theo con đường đê, chúng tôi đến thăm làng chài Hồng Nhất (thôn Hồng Nhất, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân). Khoảng 50 con thuyền chắp vá, nằm chơi vơi trên sông chính là phương tiện của những hộ dân nơi đây suốt bao năm qua. Thứ duy nhất để kết nối họ với thế giới bên ngoài chính là những con đò nhỏ, thô sơ nay đã mục dần theo thời gian.
Làng vạn chài lênh đênh giữa dòng sông Lam.
Gọi là xóm chài vì phần lớn những những hộ dân ở đây đều sinh sống chủ yếu vào nghề đánh bắt cá, tôm tự nhiên trên sông Lam. Mặc dù những con thuyền đã được các hộ dân gia cố bằng các loại cọc, mỏ neo thế nhưng cũng không ngăn nổi những đợt sóng dập dềnh, những trận mưa xối xả ven sông.
Bước xuống chiếc thuyền nhỏ chòng chành của ngư dân tôi cảm nhận được cái lạnh cắt thịt cắt da từ những đợt gió mùa Đông Bắc thổi rít, cùng với hơi nước bốc lên từ dòng sông Lam.
Ngồi co ro trên mạn thuyền, mặt tím tái, tay chân run rẩy do giá rét, ông Đậu Văn Năm (SN 1967, trú thôn Hồng Nhất) cùng vợ đang gỡ những mẻ lưới sau một đêm đánh bắt. Cái lạnh khiến bàn tay của vợ chồng ông như co cứng, việc gỡ lưới không được gọn gàng, nhanh nhẹn như thường ngày.
Theo ông Năm, vào mùa giá rét đi đánh cá sẽ bội thu hơn. Một chuyến đi đánh bắt của ngư dân nơi đây bắt đầu từ 20h đến tận 9h ngày hôm sau. Dù giá rét, nhưng vì muốn kiếm thêm thu nhập nên họ gắng gượng để mưu sinh.
"Tối đến khi nhiều người đang say giấc ngủ thì ngư dân chúng tôi lại lọ mọ ra sông để đánh bắt. Lạnh lắm nhưng không làm thì lấy gì trang trải. Cũng may vào mùa này việc đánh bắt cá cũng bội thu hơn, đây cũng là động lực để ngư dân chúng tôi quên đi cái thời tiết khắc nghiệt", ông Năm tâm sự.
Được biết, nghề chài lưới đã gắn bó với người dân vạn chài bao đời nay. Nghề này bấp bênh nên cuộc sống của họ cũng khó khăn, chỉ đủ ăn. Nói về làng chài này có tự bao giờ, ông Năm cho hay: "Tôi biết nghề này có từ lúc nào, nhưng khi sinh ra tôi đã theo cha đi đánh cá cho đến tận bây giờ”.
Bà Bảy nở nụ cười hiền hậu, tay vẫn thoăn thoắt kéo những mẻ lưới lên thuyền
Cạnh bên, bà Nguyễn Thị Bảy (vợ ông Năm) nở nụ cười hiền hậu, tay vẫn thoăn thoắt kéo những mẻ lưới lên thuyền. Bà Bảy cũng giống như hàng chục người phụ nữ trên “xóm vạn chài” này, họ đều không biết đâu thời điểm bắt đầu và đâu là thời điểm kết thúc của một ngày lao động của mình.
“Nghề này gắn bó với chúng tôi quanh năm, trừ khi bão lũ về mới nghỉ, có nhiều năm tận 30 Tết chúng tôi mới mua sắm. Mùa đông rét mướt mà bỏ lưới thì chỉ có treo niêu”, bà Bảy chia sẻ.
Làm nghề chài lưới trên sông vất vả nhất có lẽ là những người phụ nữ. Không chỉ theo chồng dãi nắng dầm sương, lênh đênh trên sông nước, buổi trưa, họ còn phải về nhà coi sóc nhà cửa, con cái, buổi chiều lại phải trực tiếp mang cá ra chợ bán. Ngoài ra, các chị còn phải đan lưới, vá lưới…
Còn sức còn phải theo nghề
Ông Đậu Quyết Thắng (SN 1958) cho biết, phần lớn những hộ dân ở đây đều có nhiều đời lênh đênh trên sông Lam để đánh bắt cá tự nhiên. Nghề sông nước vất vả và có nhiều may rủi nhưng thu nhập cũng khá, đủ để những hộ dân duy trì cuộc sống, lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với sông nước.
Những đợt gió lạnh thổi rít cùng hơi của nước bốc lên khiến khuôn mặt ông Thắng tím tái.
Đối với các hộ dân nơi đây, nghề chài lưới đã gắn liền với cuộc sống của họ. Họ không có công việc phụ, sống chủ yếu vào nghề lưới. Chính vì thế, còn sức họ còn tiếp tục phải chiến đấu với công việc này
“Đời ngư phủ cứ phải dập dềnh theo con nước, lúc no, lúc đói, lúc vơi, lúc đầy nhưng nó là cái nghiệp bám vào thân rồi. Có nhà đó nhưng mỗi ngày chúng tôi cũng chỉ ở nhà được vài ba tiếng, còn nữa là lênh đênh trên sông. Vất vả là thế nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao, vào mùa thì có ngày dăm bảy trăm nghìn nhưng có ngày, cá chẳng có để mang đi bán. Cuộc sống khó khăn nên ngay cả trong mùa giá rét, chúng tôi vẫn phải dong thuyền buông lưới trên sông. Còn sức còn tiếp tục phải chiến đấu thôi”, ông Thắng tâm sự.
Từ xa xưa, người dân nơi đây đã sống hòa mình với sông nước đến mức coi sông nước như người.
Với hơn nửa đời người phiêu bạt trên sông, phần lớn người dân ở đây chỉ mong cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Họ mong sóng yên, gió lặng để những chuyến thuyền thả lưới bắt được nhiều tôm cá, cải thiện thêm thu nhập. Họ mơ sắm được một cái chiếc thuyền kiên cố để những ngày tháng sau này được yên vị trước những đợt sóng chòng chành trên sông Lam.
Rời những chiếc thuyền của ngư dân, nghĩ lại mỗi câu chuyện của họ mới thấy những nỗi nhọc nhằn, truân chuyên của đời ngư phủ. Cầu mong cho họ có thêm sức khỏe để tiếp tục bám trụ với nghề và an phận với cuộc sống vơi đầy theo con nước./.