Phương tiện tăng tốc, vượt qua trạm kiểm dịch

Chiều 28/4, phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị có mặt tại Trạm kiểm dịch động vật ở phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) chứng kiến nhiều xe tải chở gia súc, gia cầm từ miền Nam ra các tỉnh phía Bắc. Trong đó có không ít phương tiện khi đến Trạm kiểm dịch đã tăng tốc độ, vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Tại hiện trường, mặc dù các cán bộ, nhân viên của Trạm kiểm dịch động vật vẫn làm việc bình thường, thậm chí ra hiệu lệnh dừng đỗ phương tiện nhưng lái xe không chấp hành. Cũng có một số lái xe sau khi điều khiển phương tiện đi xa hàng trăm mét mới cầm giấy tờ trở lại Trạm làm việc như là cách để ứng phó, lách luật với muôn vàn lý do biện bạch khác nhau.

f-1682748533.jpg
Xe đầu kéo chở 30 con bò từ tỉnh Lâm Đồng ra Thanh Hóa phóng nhanh, vượt qua Trạm kiểm dịch động vật ở tỉnh Hà Tĩnh

Đơn cử, xe đầu kéo BKS 78H-004.xx kéo theo rơ mooc 78R-001.xx trên xe chở 30 con bò từ tỉnh Lâm Đồng ra Thanh Hóa. Khi phương tiện này đi qua Trạm khoảng 200m, chủ xe là ông Nguyễn Mậu Kiên mới trở lại xuất trình các giấy tờ liên quan đến vận chuyển động vật.

Với cách ứng phó của ông Kiên cũng như nhiều lái xe khác thì việc tiêu độc khử trùng, kiểm tra số lượng, chủng loại, điều kiện sức khỏe động vật, vệ sinh thú y... của các cơ quan chức năng sẽ rất khó thực hiện. Đó là chưa kể đến, nếu lái xe thiếu ý thức khi phương tiện đã lọt qua trạm, né tránh thu phí kiểm dịch thì gần như không bị bất cứ một trở ngại nào từ việc kiểm soát thú y.

“Xe chạy nhanh, không để ý đến biển bảng của Trạm kiểm dịch động vật nên chưa dừng lại đúng vị trí để tiêu độc khử trùng, kiểm thú y theo quy định. Khi phát hiện có lực lượng thú y, tôi đưa giấy tờ lại trạm để xuất trình, còn việc kiểm soát thú y thì khi đi qua các tỉnh, TP đều đã thực hiện” - ông Nguyễn Mậu Kiên lý giải.

Những “lỗ hổng” cần chấn chỉnh

Thời gian này, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm từ miền Nam ra Bắc trên tuyến Quốc lộ 1A và đường mòn Hồ Chí Minh qua địa bàn Hà Tĩnh tuần suất hoạt động tăng lên. Qua tìm hiểu được biết, vào mùa nắng nóng hầu hết phương tiện đều di chuyển vào ban đêm, một mặt để tránh nắng, mặt khác là dễ dàng vượt qua sự kiểm soát của cơ quan thú y.

ff-1682748570.PNG
Các phương tiện vận chuyển động vật qua tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu di chuyển vào đêm tối nên rất khó kiểm soát

“Khi có lực lượng cảnh sát giao thông làm việc trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua phường Đậu Liêu, thì các phương tiện chở gia súc, gia cầm thường chấp hành dừng đỗ ở trạm để tiêu độc khử trùng, kiểm soát thú y. Còn vào đêm tối, xe chở trâu bò, lợn, chủ yếu từ tỉnh Quảng Bình ra Nghệ An, Thanh Hóa rất nhiều, nhưng cán bộ thú y gần như không thể kiểm soát, yêu cầu dừng đỗ được phương tiện” - ông Lê Duy Quảng (Trạm kiểm dịch động vật tỉnh Hà Tĩnh) cho biết.

Chủ phương tiện chở gia súc, gia cầm thiếu ý thức, không hợp tác với cơ quan thú y, trong khi đó lực lượng của Trạm kiểm dịch động vật Hà Tĩnh mỏng, thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ nên quá trình thực thi công vụ gặp muôn vàn khó khăn, phức tạp. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh khó kiểm soát trên động vật.

g-1682748611.PNG
Xịt rửa, tắm lợn ngay bên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh

Mặc dù chưa thể thống kê cụ thể mỗi ngày đêm có bao nhiêu phương tiện chở gia súc, gia cầm đã vượt qua Trạm kiểm dịch động ở Hà Tĩnh, chỉ biết rằng số phương tiện chấp hành dừng đỗ, kiểm tra thú y đúng quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay (khoảng từ 15 - 20 phương tiện/ngày đêm). Còn số lượng phương tiện đã vượt trạm kiểm dịch thì rất khó thống kê, điều này cho thấy công tác kiểm soát thú y, nhất là vào thời kỳ cao điểm vận chuyển gia súc, gia cầm của cơ quan chuyên môn chưa hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng cho biết, đơn vị bố trí lực lượng trực 24/24h tại Trạm kiểm dịch động vật; Tổ chức phun tiêu độc khử trùng, kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận kiểm dịch, số lượng, chủng loại, tình trạng sức khỏe động vật, điều kiện vệ sinh thú y nếu đảm bảo an toàn mới xác nhận cho vận chuyển tiếp.

“Hiện nay xe chở gia súc, gia cầm né tránh, vượt qua Trạm kiểm dịch động vật có xu hướng tăng lên. Cán bộ thú y chưa thể kiểm soát hết tình hình, mà cần có sự phối hợp hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông. Vì thực tế, công tác kiểm soát thú y trong đêm tối đã từng xảy ra mâu thuẫn, thậm chí nhiều khi cán bộ thú y bị chủ xe đe dọa, chống đối” - ông Trần Hùng thông tin.

Kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y chặt chẽ là yêu cầu bắt buộc của Luật Thú y và các quy định hiện hành. Vì vậy, trước tình trạng nhiều phương tiện chở gia súc, gia cầm ngang nhiên vượt qua Trạm kiểm dịch động vật ở Hà Tĩnh, nếu ngành thú y và các cơ quan, đơn vị liên quan không có phương án chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả sẽ trở thành “lỗ hổng” trong kiểm soát, phòng ngừa lây lan dịch bệnh.

Theo Văn Chương - kinhtedothi.vn