Tham dự chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc" có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Đồng chí Vũ Đức Đam - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng đại biểu các bộ, ban, ngành trung ương; tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hà Giang, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân các liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, các lực lượng từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc và đông đảo nhân dân tham dự.

1-1658540818.jpg
Ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu khai mạc chương trình nghệ thuật "Cõi thiêng Đồng Lộc"

Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), 54 năm Chiến thắng Đồng Lộc gắn với tưởng niệm 54 năm ngày hy sinh của 10 nữ liệt sỹ TNXP (24/7/1968 - 24/7/2022).

Khai mạc chương trình, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân ôn lại những ký ức lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược tại “yết hầu giao thông” Ngã ba Đồng Lộc. Cuộc chiến đấu quả cảm của các lực lượng bộ đội, công an, TNXP, cán bộ chiến sĩ ngành giao thông vận tải, của Nhân dân Đồng Lộc nói riêng, Nhân dân Can Lộc và Hà Tĩnh nói chung đã làm cho Ngã ba Đồng Lộc trở thành một biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

2-1658540847.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các cơ quan ban ngành địa phương cùng đông đảo nhân dân tham dự chương trình.

Chương trình Nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” được dàn dựng công phu bao gồm các tiết mục ca nhạc, kịch nói đặc sắc, do các nghệ sỹ nổi tiếng biểu diễn đã thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, các cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Bên cạnh đó, Chương trình tái hiện ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, niềm tin tưởng, lạc quan, khát vọng hòa bình, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nhân văn cao cả và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Theo đó, Ngã 3 Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nằm trên đường Hồ Chí Minh, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 đoạn qua Hà Tĩnh. Trong những năm chiến tranh, ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.

3-1658540870.jpg
Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc” là hoạt động thường niên do Báo Nhân Dân, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Thời gian ấy, Ngã ba Đồng Lộc tưởng như không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Vậy nhưng, ngày đêm trên đoạn đường này vẫn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ thông suốt giao thông, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.

Trưa 24/7/1968, giống như mọi ngày, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom. Hầm sập, tất cả 10 chị hy sinh. Người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.

Hiện, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã ba Đồng Lộc được xây khang trang để tưởng niệm hàng nghìn chiến sĩ và người dân đã ngã xuống để giữ vững mạch máu giao thông Bắc - Nam. Nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng, như: Khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong, sa bàn chiến đấu, nhà bảo tàng, tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng đài.../.