Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lụt bão, nhất là trận lũ lịch sử năm 2020, gây thiệt hại trên 1000 tỷ đồng, huyện Cẩm Xuyên luôn xác định công tác phòng, chống lụt bão là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Với gần 50 km sông và đê biển, 3 hồ chứa nước lớn, trong đó có hồ Kẻ Gỗ và nhiều xã thuộc vùng thấp trũng, ven biển, hàng năm người dân Cẩm Xuyên thường xuyên đối mặt với mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Sống chung với thiên tai và hạn chế thấp nhất thiệt hại, trước mùa mưa bão hàng năm, huyện Cẩm Xuyên tập trung rà soát các công trình phòng chống lụt bão, kịp thời tu sửa các công trình hư hỏng. Cùng với việc sẵn sàng 4 tại chỗ, những ngày qua, người dân, chính quyền huyện Cẩm Xuyên đã huy động lực lượng, phương tiện gia cố, khắc phục các điểm sụt lún tại tuyến kè biển Cẩm Nhượng. Đây là tuyến đê xung yếu, có nhiều điểm sụt lún, hư hỏng, nếu không kịp thời gia cố sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

43-1692945806.PNG
Hà Tĩnh đảm bảo các công trình đê kè trước mùa mưa bão

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án xử lý, khắc phục hư hỏng kè biển Cẩm Nhượng, với tổng mức đầu tư trên 13 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong năm 2023. Ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay từ đâu năm chúng tôi đã phận công nhiệm vụ cụ thể, rà soát các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn, đảm bảo sự an toàn cũng như sự chủ động trước mùa mưa bão”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 29 tuyến đê, với chiều dài 315 km (trong đó có tuyến đê La Giang là đê cấp 2, còn lại 28 tuyến đê cấp 4, cấp 5). Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư, nâng cấp được 247/315 km đê, với 70 km đê sông chống được lũ tần suất 10%; 176 km đê biển, đê cửa sông chống được bão cấp 10, tần suất triều 5%. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để gia cố, nâng cấp các tuyến đê như đê La Giang, Tân Long, Hội Thống, hữu sông Lam, tả Nghèn…

Cùng với hệ thống đê sông, đê biển, Hà Tĩnh cũng là địa phương có nhiều hồ chứa nước (348 hồ), với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước; 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hàng năm các công trình hồ đập không chỉ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân mà còn đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hơn 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, điều tiết phòng chống lũ… Qua kiểm tra của ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh, hiện một số hồ đập bị thấm, sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu.

6-1692945839.PNG
Nhiều tuyến đê xung yếu tại Hà Tĩnh được nâng cấp gia cố

Ông Phan Viết Liệu, Phó giám đốc Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: “Những năm vừa, Công ty đã tập trung khắc phục sửa chữa các hồ bị xuống cấp ở Hương Khê, như hồ họ Võ, hồ Khe Con. Nhìn chung đến nay các hồ đảm bảo công tác phòng chống lụt bão”.

Nhằm chủ động công tác phòng chống trong mùa mưa bão năm nay, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức rà soát các khu dân cư, trường học, đơn vị ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc, đồi núi để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn, có nguy cơ gây sạt lở.

Cùng với viêc đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi, điều tiết phân lũ, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương tổ chức tốt việc sẵn sàng “4 tại chỗ” khi xảy ra lụt bão. Ông Trần Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết:

Băng: Công tác phòng chống lụt bão luôn được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm. Các đoàn kiểm tra thường xuyên xuống các địa phương để đánh giá về sự chủ động ứng phó. Tỉnh cũng đặc biệt lưu ý đến sự an toàn tại các công trình xung yếu…

Từ thực tế địa phương chịu nhiều thiên tai, việc Hà Tĩnh chủ động trong mọi tình huống, gia cố, sửa chữa kịp thời các công trình đê kè, hồ đập xung yếu sẽ giúp giảm tối đa thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay.