Nhằm thực hiện Đề án 2571 QĐ/UBND ngày 03/9/2014 (Gọi tắt là Đề án 2571) của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phát triển đồng bào dân tộc Chứt, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức thay đổi tư duy, phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê với 151 hộ, có gần 200 nhân khẩu đang phải đối diện với nguy cơ hôn nhân cận huyết, bệnh tật, thoái hóa giống nòi, mai một văn hóa, truyền thống. Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2015, toàn bản có 31 đoàn viên, thanh niên độ tuổi từ 16 - 35, trong đó có 18 thanh niên trong độ tuổi kết hôn cần sự chung tay kết nối từ cộng đồng.
 
Từ đợt cao điểm tháng 3/2015, hai đơn vị phối hợp cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra quân trồng chuối cao sản cho đồng bào dân tộc Chứt, đến nay chuối đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa thu hoạch giúp nhân dân cải thiện đời sống. Mô hình kinh tế chăn nuôi lợn tập trung với quy mô nhỏ 10 con/lứa do Tỉnh đoàn hỗ trợ, bố trí đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ, hướng dẫn cho hộ Hồ Bắc đã được thả nuôi đợt 2, cho thu nhập ròng 3 triệu đồng/lứa. Hiệu quả từ mô hình không chỉ dừng lại ở việc tăng thu nhập cho người dân mà điều quan trọng là làm chuyển biến nhận thức, thói quen canh tác, sản xuất, tự chủ trong cuộc sống cho đồng bào dân tộc.

Hộ Hồ Bắc, đến nay đã cơ bản chủ động trong chăn nuôi từ chế biến thức ăn, cho lợn ăn, vệ sinh chuồng. Hiện nay, ngoài mô hình lợn, Tỉnh đoàn còn hỗ trợ gia đình anh Hồ Bắc chăn nuôi gà với mô hình quy mô 100 con đang phát triển tốt. Khi được hỏi “Tiền lãi từ lứa lợn thứ hai này anh định làm gì? - Hồ Bắc cho biết: “Kinh nghiệm từ lứa trước, cầm tiền thì mấy rồi cũng hết, nên lứa này, tôi sẽ dùng tiền lời để mua tiện nghi sinh hoạt hoặc mua vàng để cất trữ”. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hồ Kính nói: Tôi cũng muốn nuôi lợn lắm nhưng không có tiền đầu tư, nếu được hỗ trợ mô hình, gia đình tôi cũng sẽ chăm chỉ làm ăn như Hồ Bắc”.
 
Bên cạnh các hoạt động giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng và Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh trong, ngoài địa bàn, đặc biệt là sự kết nối với thanh niên dân tộc Rục ở Quảng Bình. Tính đến nay, đã có 03 nữ thanh niên dân tộc Chứt kết hôn với nam thanh niên người Kinh tại địa bàn huyện Hương Khê. Trong ngày 01/12/2015, đám cưới giữa Hồ Nghĩa người dân tộc Chứt (Hương Khê) và Hồ Quỳnh Kham dân tộc Rục (Quảng Bình) do Bộ đội Biên phòng, Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức đã và đang tạo nên sức lan truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, khẳng định rõ nét sự vào cuộc, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị phối hợp và cộng đồng đối với sự phát triển của dân tộc Chứt. Đây là tín hiệu vui đối với vấn đề hôn nhân của người dân tộc Chứt. Cũng từ cuộc hôn nhân này cho thấy, Đề án 2571 cần có sự điều chỉnh về các nhóm giải pháp, chính sách, mở rộng nhóm đối tượng hỗ trợ hợp lý để phát huy hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.
 
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, tại Bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, người dân tộc Chứt vẫn còn 14 thanh niên trong độ tuổi kết hôn chưa thành lập gia đình (01 nữ 19 tuổi và 14 nam có độ tuổi từ 18 đến trên 35, trong đó có 05 nam trên 35 tuổi). Điều đáng để chúng ta trăn trở, đó là việc nam thanh niên dân tộc Kinh kết hôn với nữ thanh niên dân tộc Chứt đã có tiền lệ và đang được lan truyền khá rộng rãi; nhưng nữ thanh niên dân tộc Kinh phần nhiều vẫn còn e ngại, chưa vượt định kiến để kết hôn cùng nam thanh niên dân tộc Chứt. Việc kết nối với dân tộc Rục ở Quảng Bình còn nhiều cam go do đường sá xa xôi, khó khăn; bên cạnh đó là quan điểm cục bộ của nam thanh niên dân tộc Rục cũng là rào cản không hề nhẹ đối với nam thanh niên dân tộc Chứt khi giao thoa, kết bạn với nữ thanh niên ở dân tộc bạn. Để hóa giải khó khăn này, đòi hỏi cần có sự chung tay của cả cộng đồng, sự tuyên truyền, vận động, phối hợp nhịp nhành của các cấp, ngành, đơn vị liên quan; đặc biệt trong đó, vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên cần phải được nâng lên, phát huy bằng nhiều hoạt động giao lưu, kết nghĩa, bằng các phong trào văn hóa, văn nghệ tạo không khí gần gũi, hòa đồng giữa thanh niên giữa các dân tộc; từ đó thúc đẩy, giải quyết vấn đề hôn nhân cận huyết của dân tộc Chứt.
 
Trong thời điểm này, sắp đến lễ hội Tết Chăm Cha Bới của dân tộc Chứt, Tỉnh đoàn, Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp, hỗ trợ người dân tổ chức Lễ hội nhằm duy trì, củng cố và phát huy truyền thống, nét văn hóa tốt đẹp đang có nguy cơ mai một. Theo đó, trong lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động có ý nghĩa như: Thổi kèn môi, đánh đàn trơ bon, nhảy sạp, múa hát các bài dân ca của dân tộc,...