Hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Đức Liên (huyện Vũ Quang) lâu nay nơm nớp lo lắng khi phải sống ngay cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam không có rào chắn. 
 
Nơm nớp nỗi lo tai nạn
 
Nhiều phụ huynh tại xã Đức Liên phản ánh, tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua địa bàn xã Đức Liên (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) không được lắp đặt rào chắn tại các nút giao cắt với đường dân sinh, không có nhân viên đường sắt trực gác hay đèn tín hiệu cảnh báo.
 
Vấn đề này đã tồn tại hàng chục năm qua trở thành “chiếc bẫy” tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người dân, nhất là học sinh các cấp học.
 
Thầy giáo Phan Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường THCS Liên Hương) cho biết: “Nhà trường có khoảng 40 học sinh thuộc các thôn Liên Châu, Liên Hòa… đi học qua những tuyến đường cắt ngang với đường tàu.
 
Không riêng phụ huynh, nhà trường cũng rất lo lắng vấn đề an toàn giao thông cho các em khi đi qua đây. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền địa phương về vấn đề này”.
 
Theo quan sát, tuyến đường dân sinh băng qua đường ray tàu hỏa khá rộng, nhưng không được lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Rào chắn, hệ thống cảnh báo tự động... Mỗi lần băng qua đường ngang người dân, học sinh phải cẩn thận nhìn trước, ngó sau vì không biết đoàn tàu sẽ xuất hiện lúc nào.
 
Nhiều năm qua, mặc dù chưa có vụ tai nạn thương tâm nào về người, nhưng ghi nhận rất nhiều vụ tai nạn về gia súc bị tàu đâm chết. Bởi thế, người dân luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi đi qua khu vực này.
 
Ông Nguyễn Tiến Quân (thôn Liên Hòa) kể lại: “Tôi cũng không nhớ hết bao nhiêu lần phải ra đuổi trâu bò của người dân chạy lên đường tàu. Nhưng mỗi năm vẫn thường xuyên có vài ba vụ trâu bò bị tàu tông chết do tàu không phanh kịp. Những vụ tai nạn như thế, người dân phải chấp nhận thiệt hại, bởi xã đã có quy định cấm thả rông gia súc gần đường sắt”.
 
Không chỉ gia súc, cách đây ít năm, tại tuyến đường này, người dân thôn Liên Châu được phen tá hỏa khi chứng kiến một xe công nông bị tàu hỏa đâm trúng khi đi qua đường ngang, giao nhau với đường sắt. Rất may, vụ tai nạn chỉ khiến phương tiện bị biến dạng, tài xế may mắn thoát chết trong gang tấc.
 
Ông Hoàng Nghĩa Thọ (thôn Liên Châu, xã Đức Liên) nói: “Chúng tôi chỉ mong ngành đường sắt sớm lắp rào chắn hoặc có đèn tín hiệu cảnh báo để người dân yên tâm hơn”. 
 
 
Ông Hoàng Nghĩa Thọ (thôn Liên Châu) kể lại những vụ tai nạn làm chết gia của người dân. 
 
Mòn mỏi chờ giải pháp
 
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua xã Đức Liên dài khoảng 6 km nhưng có tới 14 đường ngang dân sinh đi qua. Đây là tuyến đường độc đạo để người dân thôn Liên Châu, Liên Hòa, Bình Quang, Tân Lệ đi đến trung tâm xã, vùng đất sản xuất và các khu vực lân cận. Ngoài ra, học sinh các cấp học thường xuyên đi học qua đoạn đường này.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Liên, cả 14 đường ngang dân sinh đều không có đèn tín hiệu hoặc chuông báo cho người đi qua, nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt là rất lớn. Đặc biệt, tại đường ngang dân sinh ở thôn Liên Châu trở thành “điểm nóng”, vì mỗi ngày có cả nghìn phương tiện lưu thông qua lại.
 
Từ hàng chục năm nay, tại đường ngang thôn Liên Châu đã nhiều lần xảy ra các vụ tai nạn về gia súc. Phía UBND xã nhiều lần đề nghị ngành đường sắt cho lắp tín hiệu đèn và chuông, gác chắn… tại điểm hay xảy ra tai nạn này nhưng đến nay vẫn chưa được lắp.
 
Nhiều năm qua, đã có nhiều đoàn cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, thông báo sẽ phối hợp với ngành đường sắt bố trí kinh phí cho địa phương để làm đường gom, hầm chui và hệ thống rào chắn tự động qua các lối đi tự mở. Song đến nay, việc thực hiện vẫn chưa có lộ trình cụ thể, khiến xã và người dân mòn mỏi trông chờ”, ông Hùng nói.
 
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh dài hơn 70 km, đi qua 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Toàn tuyến có 130 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhưng chỉ có 28 điểm có gác chắn và cảnh báo tự động, còn 102 điểm là đường ngang dân sinh tự phát.
 
Năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch yêu cầu Ban An toàn giao thông tỉnh kiểm tra, đôn đốc các địa phương có đường sắt đi qua đến năm 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn đường ngang dân sinh tự phát. Nếu đến kỳ hạn này, địa phương nào không xóa bỏ được lối đi tự mở thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm.
 
“Do nguồn ngân sách của tỉnh và địa phương hạn hẹp, nên việc triển khai theo kế hoạch rất khó. Chúng tôi đã có các văn bản đôn đốc, đề nghị các địa phương bố trí kinh phí để triển khai làm đường gom, hầm chui và rào chắn tự động qua các điểm giao cắt bất hợp pháp với đường sắt trước thời hạn mà tỉnh yêu cầu”, ông Nguyễn Văn Tân, Phó chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, thông tin.