Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 kết thúc, thầy Đinh Đức Hiền đã có những nghi vấn về sự trùng hợp giữa nội dung đề thi môn Sinh học và các video tổng ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh).
Cá nhân thầy Hiền tự so sánh đã thấy sự giống nhau lên đến 80%. Từ đó, thầy đã gửi thư cùng các bằng chứng so sánh đến Bộ GD&ĐT, đề nghị làm rõ.
Tại sao Bộ GD&ĐT im lặng?
Chia sẻ với Zing, thầy Đinh Đức Hiền cho biết do cảm thấy sự trùng hợp bất thường, thầy đã 2 lần gửi thư đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một lần gửi thư đến nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, đồng thời gửi các đơn kiến nghị đến Bộ Công An, các Đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, các lần hồi đáp trước đây và mới nhất là ngày 16/11 từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đều có chung một nội dung là "đang xác minh, chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm".
Thầy Hiền chỉ biết được kết luận của tổ công tác thông qua báo chí dù là người trực tiếp gửi tâm thư cùng những bằng chứng, đề nghị làm rõ vụ việc.
"Khi tôi nhận được thông tin báo chí thì rất bất ngờ, bất ngờ hơn nữa là biên bản thẩm tra đã có từ đầu tháng 8. Trong việc này, Bộ GD&ĐT chưa làm đúng quy định, đáng nhẽ ra phải trả lời bằng văn bản cho tôi và chủ động trong việc thông tin minh bạch. Tôi nghĩ rằng bộ nên có giải thích rõ ràng trong việc này", thầy Hiền bày tỏ thất vọng.
Theo thầy giáo này, kết luận của tổ công tác chỉ ra quá nhiều điều bất thường, từ đề thi, việc luyện thi, các mối quan hệ đến quy trình làm đề, bảo mật đề thi. Vụ việc ảnh hưởng rất lớn đến một kỳ thi quốc gia, hàng trăm nghìn học sinh trên cả nước, và quan trọng hơn nó ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
"Giống đến 92,5% thì không thể nào là trùng hợp"
Để làm rõ sự trùng hợp giữa đề thi Sinh học và nội dung các video ôn luyện của thầy Phan Khắc Nghệ, Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ công tác liên ngành giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an.
Theo biên bản làm việc ngày 9/8 của tổ chuyên gia trong đoàn công tác, đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất ra từ máy tính được tổ ra đề môn Sinh học lựa chọn cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề đều trùng nhau theo thứ tự các câu hỏi tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính, không thể có hiện tượng này.
Đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập của thầy giáo có sự trùng lặp rất lớn.
Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn, 39 câu trùng (tỷ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ. Trong số 39 câu trùng này, 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (94,87%), riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210, câu 105 trùng với mã đề 210 và 212, trùng một phần với 2 mã đề 211 và 213.
Đặc biệt, một câu về diễn thế sinh thái có ở cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa. Câu này cũng xuất hiện trong video tổng ôn của thầy Phan Khắc Nghệ.
Ngoài ra, trong các video chữa đề ôn tập, từng câu hỏi về một vấn đề rất hẹp với một đáp án duy nhất, thầy Nghệ dạy học sinh cách nhận dạng các tình huống khác nhau nhưng vẫn chung một đáp án như thầy đã dạy.
Những nội dung thầy dạy về câu hỏi bao trùm tất cả câu hỏi cùng loại ở 4 mã đề được chọn. Khi thi, thí sinh chỉ cần học thuộc lòng một số từ khóa, nhìn vào đáp án đúng được dạy mà chọn, không cần quan tâm tới đề được diễn đạt như thế nào hay tính toán, suy nghĩ. Điều này thể hiện rõ trong video thầy Phan Khắc Nghệ dặn học sinh chỉ cần học thuộc lòng những gợi ý của mình.
Đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập cũng cho thấy sự trùng lặp lớn. Trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt, 37 câu trùng (92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ.
Trong lần chia sẻ với Zing sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, TS Phạm Văn Lập - chủ biên sách giáo khoa Sinh học lớp 10 và 12 hiện hành, đồng thời từng có nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học - cho rằng theo toán học xác suất, tỷ lệ trùng hợp không thể cao đến mức 80% (với so sánh của thầy Đinh Đức Hiền lúc đó). Ông không loại trừ khả năng có tiêu cực.
Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng không thể nào có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào lên đến mức hơn 90%. Từ kết luận của các chuyên gia trong tổ công tác, Bộ GD&ĐT cần làm rõ ai sai phạm, sai phạm đến đâu, liệu đây có phải là lộ, lọt đề thi hay không?
"Với kết luận của tổ công tác, có nghĩa đã có sai phạm, tôi kiến nghị cần có sự tham gia của Bộ Công an trong điều tra. Nếu có vi phạm pháp luật cần xử đúng người, đúng tội, đem lại niềm tin cho nhân dân cả nước. Việc học thật, thi thật như Bộ trưởng nói chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta có một kỳ thi công bằng, những người cầm cân nảy mực phải thực sự trong sạch", thầy Hiền nhấn mạnh./.