50% hộ dân chuyển ra sản xuất tập trung
Cụm công nghiệp (CCN) Thái Yên do Công ty Cổ phần IDI làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng. Dự án có quy mô gần 16ha với trên 200 lô đất được chia làm 3 khu A, B, C.
Dự án đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hình thành CCN quy mô, liên kết thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đồ gỗ Thái Yên. Mô hình sẽ góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ.
Chủ đầu tư mong muốn, khi CCN ra đời sẽ hỗ trợ người làm nghề kết nối với ngân hàng, có cơ hội tiếp cận quỹ đất sản xuất, kinh doanh với mức hỗ trợ 25% giá trị thuê đất.
Ngoài ra, dự án sẽ giúp tận dụng nguồn gỗ thừa để sản xuất nhiều sản phẩm cao cấp, hiện chưa có trên thị trường như: Tranh, đồ chơi, quà lưu niệm, đồ gia dụng bằng gỗ..., vừa giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động tại chỗ, đặc biệt là tăng thu ngân sách...
Sau khi hoàn thiện, CCN được đầu tư bài bản từ hệ thống đường giao thông, đường điện cao áp, cây xanh… đến hệ thống dẫn, xử lý nước thải nhằm giúp địa phương hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất nghề mộc truyền thống.
Tuy nhiên, sau 4 năm (từ năm 2018) đi vào hoạt động, đến nay, CCN chỉ mới có gần 100 lô được người dân mua để sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, trong đó chỉ có trên 70 lô được người mua tiến hành xây dựng nhà xưởng. Theo quan sát, các lô đất được mua chủ yếu nằm ở ngay mặt đường, trong khi đó nhiều lô đất ở các lối sau vẫn còn bỏ không.
Ông Phan Công Hoàn, Trưởng ban Quản lý CCN Thái Yên, cho biết, theo quy hoạch, CCN Thái Yên sẽ đáp ứng được 204 vị trí mặt bằng để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của người dân. Nhưng đến nay, chỉ mới có 94 hộ mua mặt bằng và trong đó mới 36 hộ xây dựng nhà xưởng để sản xuất, kinh doanh.
“Nguyên nhân chính khiến người dân ngại đầu tư, mở rộng sản xuất là do sản phẩm mộc những năm gần đây khó tiêu thụ, thu nhập thấp, trong khi chi phí đầu tư lớn.
Với thực trạng như hiện nay, mục tiêu đưa các cơ sở sản xuất gỗ ra khỏi khu dân cư sẽ rất khó khăn và như vậy tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ tại các khu dân cư sẽ vẫn còn lớn”, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh Đoàn Ngọc Hường cho hay.
Giá thành quá cao?
Thời điểm này, hộ gia đình ông Phan Đăng Thìn (thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh) đang tất bật cho những đơn hàng cuối năm. Khu sản xuất hàng mộc của gia đình ông được đặt ngay tại nhà. Trong không gian nhỏ hẹp, ông Thịnh và khoảng 5 người thợ vẫn đang tỉ mỉ gia công các mặt hàng theo yêu cầu của khách.
Ông cho biết, gia đình ông đã có hơn 40 năm làm nghề mộc tại nhà. Dù chính quyền nhiều lần vận động ông chuyển vào sản xuất tập trung tại CCN Thái Yên, nhưng ông đều từ chối.
“Khi CCN vừa được xây dựng, chính quyền đã thông báo và vận động các hộ kinh doanh, chế tác mộc ra sản xuất tập trung tại đây. Người dân cũng rất đồng tình ủng hộ chính sách này. Tuy nhiên sau khi tính toán, chúng tôi thấy giá thành để mua mặt bằng, xây dựng nhà xưởng quá lớn”, ông Thìn cho hay.
Theo tính toán của ông Thìn, để chuyển ra CCN, ông phải bỏ ra số tiền khoảng 400 – 500 triệu đồng mua đất và hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc…
Cũng như ông Thìn, ông Nguyễn Công Quang (thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh) đang sản xuất các mặt hàng đồ gỗ tại nhà. Ông Quang thừa nhận sản xuất tại nhà vừa chật chội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng môi trường sức khỏe.
“Việc xây dựng CCN tại đây tôi thấy hoàn toàn chính đáng. Nhưng giá thành để chuyển đổi sang đây còn cao, nên người dân còn e ngại. Trong khi những năm qua dịch bệnh liên miên, nhu cầu mua sắm của người dân cũng giảm hẳn rất khó để chúng tôi mạo hiểm đầu tư lớn.
Nếu được hỗ trợ nguồn vốn, giảm giá mua đất và tìm kiếm, kết nối các thị trường tiềm năng khi đó bà con mới yên tâm mở rộng sản xuất, nhất là mùa sản xuất hàng Tết”, ông Quang nói.
Được biết, làng nghề mộc Thái Yên hiện có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mộc, nội thất, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất lớn. Thôn Bình Định, xã Thanh Bình Thịnh là nơi có nhiều hộ dân làm nghề mộc nhất với hơn 80% hộ dân trong thôn.
Đặc biệt, CCN Thái Yên lại nằm ngay trên địa bàn của thôn, thế nhưng nhiều năm qua, phần lớn các hộ dân ở đây vẫn sản xuất tại nhà.
Theo ông Đoàn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Thịnh, để phát triển bền vững nghề mộc, đảm bảo môi trường, địa phương đã kiến nghị lên cấp trên có chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất chuyển ra cụm, đồng thời nhà đầu tư xem xét giảm giá mặt bằng để giảm bớt “gánh nặng” về chi phí đầu tư khi chuyển đến CCN./.