Bà Nguyễn Thị Dần sinh năm 1950, trú tại thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà bà ở gần chợ Đồn (Linh Cảm), người lạ về hỏi thăm bà Dần rất dễ, bởi trong thôn này, bà nổi tiếng với tấm lòng nhân ái luôn sẵn lòng giúp đỡ người hoạn nạn, không quản ngại khó khăn, vất vả.
Suốt 6 năm trời, bà chăm lo cơm nước, vệ sinh, tắm giặt cho người hàng xóm bị ngã gãy xương chậu phải nằm một chỗ (ông Phan Văn Hưởng, SN 1947) cho đến lúc ông nhắm mắt xuôi tay vào tháng 4/2021. Bà cũng là người nuôi nấng con trai ông Hưởng từ khi còn tấm bé bởi vợ ông không may mất sớm, gia đình neo người.
Đến trước ngôi nhà cấp 4 kiểu thái rộng rãi khang trang, sau vài tiếng gọi cửa, một cụ bà ngoài 70 tuổi xuất hiện, mở cổng mời vào. Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, trông bà vẫn rất khỏe mạnh, bước chân nhanh nhẹn vững vàng, tiếng nói vẫn hoạt bát rõ ràng mạch lạc. Qua vài lời chào hỏi ban đầu cho thấy bà vẫn rất minh mẫn.
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi ở chiếc ghế đá trong sân vườn, nói về việc chăm sóc ông hàng xóm bại liệt, bà Dần chia sẻ, ông Hưởng là người hiền lành, ngày xưa làm công nhân nông trường Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà).
Bà kể, trước đây ông Hưởng từng có một đời vợ nhưng đã mất, sau này lấy bà Hòa (người xã Trường Sơn, cùng huyện Đức Thọ) rồi có 2 con trai là Phan Tiến Dũng (SN 2004) và Phan Văn Hoàng (SN 2005). Năm 2013, sau khi bà Hòa đột ngột qua đời, ông Hưởng thì tuổi cao, đi lại khó khăn nên thường xuyên nhờ bà đi chợ mua giúp thức ăn, 3 cha con tự chế biến.
Sau một thời gian, do điều kiện kinh tế khó khăn, ông Hưởng không có khả năng nuôi dưỡng nên gửi 2 người con trai tới học tập tại Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích ở Bắc Ninh.
Cuộc sống vốn đã khốn khó càng trở nên bi đát khi vào đầu năm 2016, ở tuổi gần 70, ông Hưởng bị ngã gãy xương chậu, không thể đi lại được, phải nằm một chỗ. Hai bên nội ngoại đều neo người không có ai chăm sóc, xóm làng không ai ngó đến, kể từ đó, việc giúp đỡ gia đình người hàng xóm trở thành ''nhiệm vụ bất đắc dĩ'' của bà Dần.
Là người thường xuyên giúp đỡ gia đình ông Hưởng, bà không đành bỏ mặc khi người đàn ông nằm một chỗ vệ sinh không tự chủ được. Lâu dần thành quen, hàng ngày bà cơm nước, quét dọn, tắm giặt cho ông như người thân trong gia đình.
Nói về những khó khăn trong thời gian chăm sóc người hàng xóm bại liệt, bà Dần nhớ lại: “Hôm đó vào ngày Tết, tôi phát hiện ông Hưởng bị rơi xuống nền nhà, nằm giữa vũng nước. Một mình tôi loay hoay mãi không kéo lên được nên phải chạy ra đường cầu cứu, rất may gặp được ông thôn trưởng vào giúp.
Do ông ấy thường xuyên đi vệ sinh ra quần nên không đủ quần cho ông mặc, tôi phải tìm đến các quán may để xin vải thừa rồi nhờ thợ may quần cho ông. Sau đó tôi kêu gọi xin xóm làng hỗ trợ xây cho ông cái bệ cạnh giường để thuận tiện trong việc tắm rửa và xử lý khi đi vệ sinh”.
Ban đầu các con bà đều phản đối, ''việc không phải trách nhiệm của mình sao tự dưng ôm vào cho khổ''. Thế nhưng bà nghĩ, mình ở gần sân kề cửa không nhẽ làm ngơ. Sau này con cái hiểu được việc bà làm phúc, làm đức nên không phàn nàn gì nữa.
“Không riêng gì ông Hưởng, hễ ai gọi có người chết trôi hay chết cạn, cần người tắm rửa, khâm liệm tôi đều sẵn sàng tới giúp, không nề hà gì. Mình làm cho trọn cuộc đời, đến khi tắt thở thì thôi. Còn sống, còn giúp đỡ được ai thì mình cứ giúp”, bà Dần tâm sự.
Nghĩ là làm, khi con ông Hưởng không có người nương tựa, chỉ bảo, bà cũng sẵn lòng giúp đỡ. Sau gần 2 năm sống tại Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích, người con lớn là Phan Tiến Dũng không theo học được nên nhà trường gửi trả về địa phương. Ban đầu Dũng bỏ học, đi chăn trâu thuê gần một tháng trời, được bà Dần và các thầy cô giúp đỡ nên hiện nay Dũng đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Đức Thọ.
Biết hoàn cảnh khó khăn nhà ông Hưởng, Nhóm thiện nguyện Nhân ái Hồng La đã hỗ trợ gia đình 500.000 đồng mỗi tháng, đồng thời mua xe đạp, áo quần, máy tính giúp Dũng có điều kiện học tập. Từ khi về quê, ban ngày Dũng ăn ở trên nhà bà Dần, đêm về ngủ ở nhà với bố. Từ ngày ông Hưởng qua đời, Dũng ở hẳn với bà Dần và xem bà như người thân của mình.
Trò chuyện với chúng tôi, Dũng cho biết ngoài việc học văn hóa, em còn được học thêm nghề sửa chữa ô tô. Nguyên vọng của em là nếu sau này đi nghĩa vụ quân sự, khi ra quân sẽ học lên cao đẳng, còn không thì sau khi tốt nghiệp sẽ đi theo người con trai thứ 2 của bà Dần để làm việc kiếm sống. Hiện tại, ngoài những buổi đi học, Dũng về phụ bà nấu nồi rượu, còn mùa hè thì đi làm để kiếm thêm thu nhập.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phan Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh chia sẻ: “Bà Dần là người phụ nữ vừa đảm đang vừa có tình thương lớn với những mảnh đời bất hạnh. Suốt nhiều năm trời, bà tình nguyện giúp đỡ ông Hưởng bằng tấm lòng nhân hậu, thương người chứ không vì bất kỳ một thứ gì khác. Những việc làm cao cả của bà Dần được hàng xóm, thôn làng trân trọng, biết ơn”./.