Sáng 30/3, ông Hoàng Văn Lạng, Trưởng Công an thị trấn Phố Châu cho biết, đơn vị hiện đang phối hợp cùng với gia đình và người dân tìm kiếm em N.T.T.H (SN 2004, trú tại TDP8, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) sau khi em H. rời khỏi nhà và mất tích.
Trước đó, vào sáng 29/3 trên mạng xã hội Facebook truyền tải về câu chuyện được người dùng có nickname H.A.T đăng lên với nội dung nói về chuyện tình cảm với bạn gái cũ là em N.T.T.H.
Sau khi đăng tải lên Facebook câu chuyện nhận được hàng trăm lượt quan tâm và bình luận, với những bình luận trái chiều, chỉ trích. Tới trưa ngày 29/3, em H. rời khỏi nhà cho đến nay gia đình và người thân tìm kiếm, liên lạc cho em H. nhưng vẫn không có kết quả.
Được biết, em H. hiện đang là học sinh lớp 12 trường THPT Hương Sơn. H. rời khỏi nhà lúc 13h30 ngày 29/3, khi đi em mặc áo đen, xách túi màu đỏ, hiện nay gia đình cùng địa phương nhờ giúp đỡ, đăng tải thông tin em H. lên mạng xã hội để nhờ cộng đồng tìm kiếm em H.
Hệ lụy của việc bóc phốt trên mạng xã hội
Mạng xã hội là một công cụ phổ biến hiện nay trong giới trẻ, mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội. Nhưng đồng thời nó cũng đem lại rất nhiều phiền toái cho người sử dụng nó nếu như không thận trọng. Mạng xã hội tiềm tàng rất nhiều những góc khuất mang tên “Bóc phốt”.
Việc câu chuyện sai lầm của một ai đó, đơn giản là do họ sai với người này, người kia nhưng khi điều đó được đem lên mạng xã hội nó lại là chủ đề để những người “đục nước béo cò” có cơ hội bàn tán và rồi coi mình như những “anh hùng bàn phím” phân tích đúng sai và giải quyết nó trong khi sự việc đó không hề liên quan tới họ.
Qua sự việc trên, chưa rõ câu chuyện được đăng lên mạng xã hội Facebook thực hư, đúng sai ra sao, nhưng cần lên án việc "bóc phốt" đăng tải thông tin người khác lên mạng xã hội rồi cùng nhau bình luận, chỉ trích gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, trước đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra vì không thể chịu nổi áp lực từ mạng xã hội.
Việc "bóc phốt" người khác có bị xử lý?
Xử lý về hành chính
Xét trên phương diện pháp luật Việt Nam hiện hành, nếu dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài đăng, bình luận trên MXH (hướng tới một cá nhân cụ thể), có thể sẽ bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức).
Trường hợp tự ý đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích “bóc phốt” trên MXH có thể sẽ bị xử lý theo điểm e khoản 3 Điều 102 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 triệu -20 triệu đồng cho hành vi: e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Xử lý về Hình sự
Quá trình “bóc phốt” trên đều sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử nên nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù.
Tiếp theo, nếu hành vi “bóc phốt” là bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự trên mạng xã hội thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm theo khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015./.