Mặc dù được chấp thuận chủ trương chăn nuôi bò sữa, nhưng Công ty Khánh Giang (Hà Tĩnh) lại chuyển sang nuôi lợn thương phẩm, xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng.
 
Vừa qua, cơ quan báo chí nhận được video clip của người dân xã An Dũng (huyện Đức Thọ) phản ánh về việc trang trại chăn nuôi bò sữa Bắc Hà của Công ty TNHH Khánh Giang tự ý chuyển sang chăn nuôi lợn thương phẩm, quá trình xử lý chất thải của trang trại không đảm bảo, có dấu hiệu xả thẳng ra môi trường khiến mùi hôi thối bốc mùi lên nồng nặc khiến không khí ngột ngạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
 
Anh Võ Quốc Anh (người dân thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng, huyện Đức Thọ) cho biết: “Trang trại này trước đây được phê duyệt chăn nuôi bò sữa cao sản, nhưng khoảng 2 năm nay lại chuyển sang chăn nuôi lợn. Từ đó đến nay, người dân hầu như luôn phải ở nhà đóng kín cửa vì mùi hôi thối.
 
Hôm trước, tôi đi tập thể dục buổi sáng, thấy mùi bốc lên ghê quá nên mấy anh em rủ nhau vào xem thì phát hiện tại đây có một đường ống đang xả chất thải trực tiếp vào hồ lắng mà không qua hệ thống xử lý biogas. Sau đó nước thải tràn qua hồ lắng, chảy thẳng ra hồ nước xung quanh trang trại. Đặc biệt khi trời mưa thì nước trong hồ sẽ tràn hết ra ngoài”.
 
 

 Hồ nước xung quanh trang trại có màu đen, bốc mùi hôi thối.
 
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Khánh Giang có trụ sở tại thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng, huyện Đức Thọ; do ông Đậu Tiến Sỹ (SN 1965, trú tại TDP 4, phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh) làm Giám đốc.
 
Trang trại nuôi lợn trước đây được phê duyệt chủ trương cho nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà. Vì vị trí trại lợn nằm giáp ranh giữa xã An Dũng (huyện Đức Thọ) và xã Thường Nga (huyện Can Lộc) nên vào mùa gió Tây Nam, toàn bộ khu vực làng Bình Hà của xã Thường Nga bị ảnh hưởng trực tiếp.
 
“Thối vô cùng, đặc biệt là khi có gió Tây Nam thổi về thì cả khu vực làng Bình Hà không thể nào chịu nổi.
 
Trước đây họ nuôi bò sữa thì còn đỡ. Từ khi chuyển sang nuôi lợn thì thối ngạt luôn. Việc chăn nuôi là của doanh nghiệp, nhưng phải làm sao để môi trường không bị ô nhiễm, tránh sinh ra bệnh tật cho người dân” - Một người dân xóm Đại Vượng bức xúc.
 
Ông Học (69 tuổi, có nhà ở và trang trại cây ăn quả ở thôn Văn Minh, xã Thường Nga, cách trại lợn chừng 1,5km) cho biết: “Mùi hôi thối chủ yếu vào ban đêm, từ 20h trở đi là thở không được. Sáng tôi đi thể dục được một đoạn thì phải quay lại vì không thể chịu nổi. Họp xóm lúc nào chúng tôi cũng phản ánh, kêu xã nhiều lần rồi nhưng không được giải quyết.
 
Do trang trại đóng trên địa phận xã An Dũng (huyện Đức Thọ) nên người dân và chính quyền xã Thường Nga (huyện Can Lộc) không làm được gì cả. Huyện Can Lộc phải làm việc với huyện Đức Thọ thì tình trạng này mới có thể được xử lý”.
 
Cũng theo ông Học, trước đây, dân làng Bình Hà thường dùng nước từ mương về các giếng AV (loại giếng làng, có đường kính khoảng 10m) cho sinh hoạt hàng ngày; từ khi trại lợn hoạt động, người phải xây bể hứng nước mưa để dùng.
 
 
Hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn thiện.
 

 
Đường ống đang xả phân lợn trực tiếp vào hồ lắng mà không qua hệ thống xử lý.
 
Trao đổi với PV, ông Đường Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thường Nga (huyện Can Lộc) cho biết: “Mấy tháng nay, mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi lợn Khánh Giang bốc lên nồng nặc, tôi ngồi làm việc tại trụ sở UBND xã mà không chịu nổi. Giờ không chỉ mấy xóm gần trại nữa mà là toàn xã Thường Nga bị ảnh hưởng...
 
Trong cuộc tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh khóa trước, chúng tôi có phản ánh, sau đó Đài truyền hình Hà Tĩnh cũng về làm phóng sự nhưng "đâu lại vào đấy". Trang trại này hoạt động sai mục đích vì cho phép nuôi bò nhưng họ lại chuyển sang nuôi lợn”.
 
Ông Phan Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND xã An Dũng (huyện Đức Thọ) thông tin: “Trước đây Công ty Khánh Giang được phê duyệt chăn nuôi bò sữa cao sản với quy mô 27ha. Sau khi bò bị chết, họ chuyển sang nuôi lợn, đã được 4 đến 5 lứa.
 
Doanh nghiệp đã cải tạo chuồng gà, chuồng bò để nuôi lợn thịt, hiện cả 3 chuồng nuôi hơn 1.600 con lợn. Tuy nhiên, hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn thiện. Có 4 hồ nhưng 1 hồ chưa lót bạt, nước thải ra chưa trong, một góc của hồ biogas bị xẹp xuống”.
 
 
Nước thải từ trại lợn đặc quánh chảy theo mương nội bộ ra thẳng hồ nước xung quanh.
 
Cũng theo ông Kiên, sáng 19/7, Công an huyện Đức Thọ, Phòng TN&MT cùng địa phương đã tiến hành kiểm tra thông tin mà người dân phản ánh. Sau khi kiểm tra, cấp trên giao cho UBND xã An Dũng thường xuyên giám sát trang trại, không để tăng đàn hay bổ sung đàn. Khi xuất chuồng thì doanh nghiệp không được tái đàn, trang trại phải dừng hoạt động để làm hồ sơ thủ tục xin chuyển đổi từ chăn nuôi bò sang chăn nuôi lợn.
 
 
Con sông bị ảnh hưởng ô nhiễm từ trại lợn, nước chuyển màu đen, người dân không còn dám xuống rửa chân tay khi làm đồng về
 
Theo biên bản làm việc của lực lượng chức năng, trang trại chăn nuôi của Công ty Khánh Giang có 4 khu chuồng nuôi, trong đó 1 chuồng nuôi chính (mới xây) và 3 chuồng được cải tạo từ chuồng nuôi gà với diện tích khoảng 1.600m2; đang nuôi 1.646 con lợn thương phẩm (thả nuôi từ ngày 26/6/2021 và dự kiến xuất chuồng vào ngày 26/11/2021).
 
Đoàn công tác giao chủ trang trại không thả mới lợn thương phẩm kể từ ngày 19/7/2021 đến khi hoàn thiện hồ sơ thủ tục của cấp có thẩm quyền cho phép; không để phát sinh mùi hôi thối, không được phép xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.
 
Công ty Khánh Giang đã cam kết không thả mới lợn kể từ ngày kiểm tra theo ý kiến của đoàn công tác”.
 
Trước đó, vào tối 1/8/2020, Phòng PC05 Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an Thị xã Hồng Lĩnh bắt quả tang trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp, quy mô hơn 400 con lợn nái và hàng ngàn con lợn giống của Công ty TNHH Khánh Giang (thuộc thôn Hồng Nguyệt, xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh) đang có hành vi xả trực tiếp nước thải có màu đen bốc mùi hôi thối ra môi trường tự nhiên.
 
Ông Đậu Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Giang đã thừa nhận việc để cho công nhân của Công ty dùng máy bơm công suất lớn bơm nước thải từ bể lắng chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường là sai phạm.