Điều đáng nói là công trình xây dựng trên đất nông nghiệp này đã hoàn thành gần 80%, nhưng chính quyền địa phương lại thiếu kiểm tra, chậm ngăn chặn, xử lý từ sớm. Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý của người đứng đầu chính quyền sở tại.

1-1660531280.jpg
Khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép có quy mô gần 15.000m2, dựng 3 căn nhà gỗ có kết cấu, kiến trúc đẹp

Theo tìm hiểu của PV, ngày 20/3/2013, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ban hành quyết định số 357/QĐ-UBND về việc thu hồi đất cho bà Phan Thị Châu thuê đất để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp khác (xây dựng trang trại chăn nuôi), do ông Đặng Văn Tính – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân ký.

Cụ thể, thu hồi 14.624m2 đất tại xã Xuân Liên, loại đất: đất sản xuất nông nghiệp của hộ dân ông Lê Quang Trung đã được bà Phan Thị Châu thoả thuận bồi thường theo văn bản hai bên ký kết vào ngày 14/02/2013 và cho phép bà Phan Thị Châu (xóm 6, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) được thuê toàn bộ diện tích thu hồi trên để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp khác (xây dựng trang trại chăn nuôi).

Theo hợp đồng thuê đất giữa UBND huyện Nghi Xuân và gia đình bà Phan Thị Châu ký ngày 12/6/2013, giá tiền thuê đất là 1.458.744 đồng/năm. Thời hạn thuê đất là 50 năm. Mặc dù được cho thuê đất để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp khác nhưng từ đầu năm 2021, gia đình bà Phan Thị Châu đã ngang nhiên tiến hành xây dựng khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép khiến cho người dân địa phương bức xúc, phẫn nộ.

Điều người dân bức xúc là chủ nhân công trình đã thi công rất nhiều hạng mục nguy nga, đồ sộ trong thời gian dài trên đất nông nghiệp, nhưng chính quyền từ xã đến huyện không kịp thời ngăn chặn. Để xảy ra những vi phạm trên chính do sự chủ quan, buông lỏng; đồng thời là sự thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, và kiến nghị xử lý của chính quyền địa phương.

Theo ghi nhận của PV, khu sinh thái, “biệt phủ” trái phép này mọc lên với quy mô gần 15.000m2, gia đình bà Châu đã cho dựng 3 căn nhà gỗ có kết cấu, kiến trúc quy mô như “biệt phủ” cổ xưa, trong đó căn nhà gỗ hai tầng lớn nhất nằm ở chính giữa. Hai bên đường đi vào khu “biệt phủ”, gia chủ đào 2 hồ nuôi cá, đồng thời xây dựng một chòi vãn cảnh ngay chính giữa hồ.

Ngoài ra, chủ nhân đã cho trồng một hệ thống cây xanh bao trùm toàn bộ khu sinh thái, biệt phủ, tạo ra một không gian sống yên bình, đậm nét xưa… Nhìn từ trên cao xuống, hệ sinh thái, “biệt phủ” của gia đình bà Châu có thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng lớn, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, như một khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Liên quan đến nội dung này, ông Mai Anh Lý – Chủ tịch UBND xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết hiện, xã đã nắm bắt được thông tin và cho lập biên bản yêu cầu gia đình bà Châu dừng thi công.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Tiến Anh – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: Chúng tôi đã nắm bắt được thông tin, Chủ tịch UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên, Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với UBND xã Xuân Liên kiểm tra, làm rõ vụ việc.

2-1660531526.jpg
Dư luận cho rằng, để xảy ra những vi phạm trên chính do sự thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, và kiến nghị xử lý của chính quyền địa phương.

Cụ thể, ngày 01/8, UBND huyện Nghi Xuân đã ban hành văn bản số 1415/UBND-VP giao Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các Phòng: Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế và Hạ tầng, các ngành, địa phương kiểm tra rà soát các nội dung: việc thực hiện hợp đồng thuê đất của bà Phan Thị Châu, xã Cổ Đạm; Về mục đích sử dụng đất; Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã Xuân Liên; Việc chấp hành pháp luật về thực hiện đầu tư Dự án. Đoàn liên ngành phải báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra về UBND huyện, tham mưu phương án xử lý trước ngày 12/8/2022.

Được biết, khu sinh thái, “biệt phủ” được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp này là của một người khác “đổ tiền” vào đầu tư; còn bà Phan Thị Châu (xóm 6, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) chỉ đứng trên giấy tờ.

Dư luận đang mong đợi UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng này, không để tình trạng cho nộp phạt để tồn tại dẫn đến tạo tiền lệ xấu. Đồng thời làm rõ việc có hay không sự “dung túng” của chính quyền xã trong việc xử lý vi phạm!?