Mỗi ngày, hàng trăm lượt xe vận chuyển cát ra vào khu bãi dọc hành lang QL1A (đoạn qua thôn 5 xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khiến môi trường nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.
 
Theo thông tin phản ánh của người dân xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân), thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tự ý mở rộng bãi tập kết cát ra sát hành lang an toàn giao thông tuyến QL1A khiến môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ mất an toàn giao thông.


 
Xe chạy trong làn đường bụi đất mù mịt


 
Đây là tuyến đường có lưu lượng xe cộ qua lại rất lớn nên mỗi khi xe chạy qua, cát bụi bị cuốn lên mù trời.


 
Mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ vận chuyển cát đi phục vụ các công trình trong và ngoài tỉnh
 
Tại đây, cát được đổ thành những đống lớn như những tòa nhà. Theo người dân địa phương, ban đầu cát được tập kết sâu vào phía trong, nhưng gần đây họ lấn sát ra đường.
 
Bãi cát nằm sát ngay QL1A nhưng chủ bãi chưa làm đường bê tông từ trong bãi tập kết ra đường theo quy định, chưa có chỗ sục rửa lốp nên cát theo xe tràn hẳn ra quốc lộ. Và cũng do các doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân để giám sát tải trọng nên các xe "mặc sức" chở đầy thùng, thậm chí có "ngọn", khiến cát rơi vãi rất nhiều.
 
Trong khoảng chiều dài 700m dọc theo QL1A, có 3 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát xây dựng, gồm: Công ty CP Thương mại Xuân Lam (thôn 5, xã Xuân Lam), người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Minh; Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Thủy, do ông Trần Đình Quy (thôn 5 xã Xuân Lam) đứng tên đại diện; Công ty Cổ phần CX miền Trung, do bà Trần Thị Bích Thủy (thôn 1, xã Xuân Lam) làm Giám đốc.
 
Đặc biệt, 2 bãi cát nằm sát QL1A của Công ty CP Thương mại Xuân Lam (Km475+200 đến Km475+300) và Doanh nghiệp TN Tân Sơn Thủy (Km475+600 đến Km475+700) mỗi ngày có hàng trăm xe tải lớn nhỏ vận chuyển cát đi phục vụ các công trình trong và ngoài tỉnh.
 
Trao đổi với phóng viên, đại diện của Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Thủy cho biết đơn vị đã làm đường bê tông vào bãi, đã lắp camera nhưng chưa có trạm cân và chỗ sục rửa lốp xe. Còn đại diện của Công ty CP Thương mại Xuân Lam thì thừa nhận chưa triển khai những quy định làm đường bê tông và lắp camera, sắp tới sẽ thực hiện.
 
Thời điểm phóng viên có mặt tại khu vực tập kết cát, một công nhân thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng công trình 676 Chi nhánh miền Trung đang gom cát trên QL1A thành từng đống nhỏ rồi hất xuống vệ đường. Qua trao đổi, được biết mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe vận chuyển cát từ trong các mỏ ra, bị rơi vãi, bụi bay mù mịt.
 
“Đây là công việc thường xuyên, ngày nào tôi cũng dọn cát trên quãng đường khoảng 2km. Họ làm rơi vãi nhưng mình quản lý nên phải dọn. Công ty có máy thổi nhưng không dùng được vì máy sẽ cuốn bụi lên, nguy hiểm cho người tham gia giao thông”, người này nói.


 
 Người điều khiển xe máy bị bụi cát che khuất tầm nhìn, rất dễ xảy ra tai nạn.
 
Ông Phạm Xuân Đại, Chủ tịch xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) cho rằng địa phương chỉ có trách nhiệm nhắc nhở, còn về thẩm quyền xử lý thì thuộc về Phòng Tài nguyên môi trường, Sở Tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng.


 
Công nhân thuộc Công ty Đầu tư - Xây dựng công trình 676 phải dùng dụng cụ thô sơ cào cát vào vệ đường 
 
PV đã đến Văn phòng UBND huyện Nghi Xuân để đăng ký làm việc với Phòng TN&MT để tìm hiểu rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tại đây, ông Phan Quốc Trường, Phó Chánh Văn phòng hướng dẫn lên gặp ông Đặng Văn Hoài, Trưởng phòng TN&MT với lý do “Văn phòng UBND huyện chỉ ngang hàng với các phòng ban nên không có chức năng cử Trưởng phòng ra làm việc”.
 
Tuy nhiên, ông Hoài, Trưởng Phòng TNMT lại yêu cầu PV quay trở lại Văn phòng để đăng ký làm việc.
 
Ông Hoài giải thích: "Cái đó Trường nói trật rồi. Khách đến gặp ai, Văn phòng phải có chỉ đạo, có văn bản giao, quy chế Ủy ban không làm việc trực tiếp".
 
Đến nay, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía UBND huyện Nghi Xuân về việc xử lý tình trạng bụi cát mù mịt đường quốc lộ suốt nhiều ngày qua.