Anh Lê Văn Thức ở thôn Yên Điềm (xã Thịnh Lộc) bức bối: “Rừng thông phòng hộ nằm quanh chùa Chân Tiên được trồng gần trăm năm (loại trồng muộn nhất cũng 40 năm), có ý nghĩa cả về mặt phòng chống thiên tai, cảnh quan môi trường lẫn giá trị tâm linh nên luôn được người dân chúng tôi chăm lo, bảo vệ.
Thế nhưng, 2 ngày qua (3-/4/1/2022), có nhiều người đến đây cắt tỉa không thương tiếc khiến chúng tôi rất bức xúc. Lẽ ra, khu rừng phòng hộ này cần phải được bảo vệ an toàn tuyệt đối; có chăng cũng chỉ cần phát dọn thực bì, thu dọn những cành khô, chặt cây chết chứ không nên cắt bỏ nhiều như thế...”.
Anh Dương Văn Thược ở thôn Yên Điềm cũng không đồng tình với việc cắt bỏ những cây thông xanh tốt tại khu vực này: “Trong văn bản của Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, chúng tôi thấy chỉ tỉa thưa những cây cong queo, sâu bệnh, sinh trưởng chậm, bị chèn ép… ở những nơi mật độ dày, có đường kính dưới 12,6cm để lấy gỗ nhỏ và củi. Thế nhưng, thực tế lại có rất nhiều cây có đường kính lớn hơn 12,6 cm, tràn đầy sức sống, nằm ở vị trí thông thoáng đã bị đốn hạ...”.
Thực tế tại hiện trường chúng tôi thấy những băn khoăn, phản ánh của người dân Thịnh Lộc là có cơ sở. Quan sát cho thấy, khu vực rừng thông phòng hộ này thực bì thưa, rừng đang phát triển tốt và cảnh quan môi trường xung quanh ngôi cổ tự hàng trăm năm được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cũng cần được bảo vệ ở mức nguyên thủy nhất có thể...
Mặt khác, xen lẫn những cây xấu cần được cắt bỏ để điều tiết mật độ, tạo không gian dinh dưỡng thì nhiều cây to đẹp, có giá trị phòng hộ lớn, tạo cảnh quan đẹp cần được bảo vệ lại bị cắt bỏ hoặc đánh dấu để chuẩn bị cắt bỏ.
Trước sự việc khiến bà con bức xúc, ông Nguyễn Phi Quỳnh – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho hay: “Việc cắt tỉa (6,4 ha) rừng trồng thông nhựa được quy hoạch rừng phòng hộ này đã được Sở NN&PTNT cho phép và trước khi thực hiện chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ, quy trình đầy đủ.
Cắt tỉa là để phát triển rừng tốt hơn, do đơn vị tự thuê người làm, không vì mục đích kinh tế hay lợi nhuận nên không có việc lợi dụng để phá rừng, cắt gỗ bán”.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà Nguyễn Xuân Mận cho hay: “Việc cắt tỉa là nằm trong quy trình chăm sóc rừng, do chủ rừng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã cử cán bộ kiểm tra, giám sát, nhất là trong việc bài cây (đánh dấu lựa chọn cây chặt) với chủ rừng. Sau khi nhận được phản ánh của bà con thì chúng tôi đang tổ chức kiểm tra và sắp tới sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ hơn để hạn chế sai sót...”.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Phong - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc thì nhiệm vụ của chính quyền địa phương là phối hợp để bảo vệ rừng tốt hơn. Nhưng việc cắt tỉa là quyết định của chủ rừng và của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không can thiệp được.
Trước sự việc này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh và các lực lượng chức năng cần kiểm tra, soát xét lại việc tỉa thưa rừng phòng hộ ở Thịnh Lộc, xem xét rõ có thực sự cần thiết hay không (trước hiện trạng rừng như hiện nay) để có phương án xử lý phù hợp tiếp theo.
Trong trường hợp buộc phải cắt tỉa vì mục đích lâm sinh, để rừng phát triển tốt hơn thì phải kiểm đếm, đánh giá, đánh dấu lại những cây cần thanh lý để hạn chế tối đa việc cắt bỏ những cây đang mang nhiều giá trị, tránh gây bức xúc trong dư luận…
Theo Quyết định số 67/QĐ-PHHL ngày 28/12/2021 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán tỉa thưa rừng trồng thông nhựa thì diện tích tỉa thưa ở khu vực này là 6,4 ha nằm trên địa bàn thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc.
Đối tượng tỉa thưa là thông nhựa, trồng năm 1982, những cây cong queo, sâu bệnh, sinh trưởng chậm, bị chèn ép… Tổng số cây bị cắt bỏ là 1.011 cây (bình quân 158 cây/ha); tổng sản lượng thương phẩm 33,6 m3 (trong đó gỗ nhỏ gần 29 m3, còn lại là củi); tổng doanh thu từ thanh lý sản phẩm là gần 24,2 triệu đồng…/.