Vùng đất hoang vu, không ai dám tới gần vì sợ thú dữ
Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 17 tuổi Phan Công Thi, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn bộ binh cơ động 341 thuộc Quân khu 4 để tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hoà bình lặp lại, ông Phan Công Thi được đơn vị phân công đến Trường Sỹ quan Lục quân 2 để thực hiện công tác giảng dạy. Năm 1984, cựu binh Phan Công Thi trở về quê hương mang trong mình thương tật 41% (thương binh 4/4), ảnh hưởng chất độc da cam do hậu quả chiến tranh để lại.
Kinh tế lúc bấy giờ phụ thuộc vào làm nông nghiệp từ 5 ha vườn đồi ở thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa được bố mẹ để lại, gia đình ông Thi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn, ông Phan Công Thi, xúc động: "Trở về địa phương, vợ chồng tôi cùng 7 người con sống nhờ vào những đồng lương hưu trí ít ỏi và từ tiền bán nông sản làm được. Quá khó khăn, gia đình tôi phải vay mượn khắp nơi để cho con cái học hành, nhiều bữa cơm không đủ ăn phải độn sắn, ngô, khoai vào.
Nhìn thấy vợ, con phải sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn, nhiều lần tôi rơi nước mắt trong đêm vì thấy mình kém cỏi, không thể lo cho vợ con mình một cuộc sống tử tế. Trong quá trình tham gia bộ đội, tôi nhận thấy ở Đồng Nai, Bình Phước… có những vườn đồi rộng lớn trồng cao su cho thu nhập cao".
"Nếu họ làm giàu được từ kinh tế vườn đồi, sao mình lại không, mình sẽ trồng các loại cây phù hợp với khí hậu tại địa phương chắc chắn sẽ thành công" - ý tưởng lóe sáng trong đầu ông Thi lúc đó.
Dám nghĩ dám làm, năm 1990, ông Phan Công Thi quyết định khai hoang khu vực vùng núi Ba Lòi (thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa) để trồng cây bạch đàn, keo giúp phát triển kinh tế. Do là khu vực đồi hoang, nhiều loại cây tạp như: sim, tranh…mọc cao quá đầu người nên công việc phát quang gặp nhiều khó khăn.
Ròng rã hơn 5 năm, 2 vợ chồng ông Phan Công Thi và bà Đào Thị Thanh đã đổ không biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu mới khai hoanh hết diện tích 30ha của núi Ba Lòi.
Ông Phan Công Thi, tâm sự: "Do khu vực này trước đây hoang vu, cây cối mọc um tùm, có rất nhiều thú dữ nên không ai dám vào đây để sinh sống. Gia đình tôi nhiều lần nuôi chó để giữ nhà nhưng sáng mai không thấy đâu nữa, nghi ngờ bị báo bắt mất.
Thấy vợ chồng chúng tôi khai hoang, nhiều người cho tôi là "khùng". Khi tôi ngỏ ý vay tiền để làm trang trại, họ nghi ngờ về khả năng thành công nên cũng không cho vay. Thậm chí khoản vay chính sách để phát triển kinh tế trang trại được vay 100 triệu nhưng họ chỉ cho tôi vay 50 triệu. Sau 6 tháng, tôi đã trả cả gốc lẫn lãi số khoản vay đó, họ hỏi tôi vay nữa không thì tôi nói không!".
Vì thiếu vốn, vợ chồng ông Thi đã thực hiện tiêu chí "Lấy ngắn nuôi dài" để áp dụng cho trang trại của mình. 5 năm đầu, cây keo chưa cho thu hoạch, ông Thi đã quyết định nuôi 10 con trâu để lấy tiền chi tiêu chờ keo cho thu hoạch.
Hiện nay trang trại rộng hơn 30 ha của thương binh ông Phan Công Thi đã hoạt động ổn định, thành công ngoài mong đợi, gia đình ông bỏ túi hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ mọi chi phí.
Biến đồi hoang thành hoa thơm, trái ngọt
Năm 2006, chính quyền địa phương đã ghi nhận sự thành công trong phát triển trang trại tổng hợp của gia đình ông Phan Công Thi và cấp giấy chứng nhận sở hữu đất rộng hơn 30 ha thuộc khu vực vùng núi Ba Lòi cho gia đình ông.
Mỗi năm, ông Thi nuôi hơn 40 con trâu. Vì có diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn ông Thi cho đàn trâu tự đi kiếm ăn xung quanh trang trại của gia đình nhằm hạn chế tối đa thức ăn và công chăm sóc.
Ông Thi đã chọn 1 con trâu to, khoẻ nhất đàn và gắn chuông lên. Ông đã huấn luyện cho đàn trâu của mình di chuyển theo con đầu đàn, tự đi kiếm ăn và chiều chúng tự động trở về.
Sau hơn 1 năm nuôi, 40 con trâu đã mang về cho gia đình ông Thi 800 triệu đồng.
30 ha vườn đồi, ông Phan Công Thi trồng luân phiên keo để năm nào cũng có thu hoạch. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch hơn 300 tấn gỗ keo, được thương lái thu mua với giá 1,3 triệu đồng/tấn, ông Thi bỏ túi 400 triệu/năm.
Ao rộng 1 ha thả cá leo, chép, trôi, rô phi… có sản lượng hơn 1 tấn được nuôi để phục vụ làm thực phẩm cho gia đình và bán ra các thị trường lân cận.
Chia sẻ về dự định tương lai, ông Phan Công Thi tâm sự: "Trong tương lai, tôi muốn trang trại của mình trở thành điểm du lịch sinh thái. Các du khách sẽ được ngắm cảnh hoang sơ của thiên nhiên, tự tay câu cá sau đó thưởng thức chúng tại chỗ.
Hiện nay, tôi có trồng hơn 2.000 gốc mai được hơn 4 năm tuổi. Tôi đã bán được khoảng hơn 20 gốc, giá giao động từ 30-40 triệu đồng/gốc, sau khoảng 2 năm nữa số mai trên sẽ giúp tôi có trong tay tiền tỷ".
Không chỉ làm giàu cho bản thân, mỗi vụ keo trang trại của ông Thi đã giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, được trả từ 200.000-250.000đồng/ngày.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trần Thị Minh Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Hoa, cho biết: "Ông Phan Công Thi là người dám nghĩ dám làm, ông tư duy làm kinh tế nhạy bén và ý chí không chịu khuất phục khó khăn của tinh thần người lính bộ đội cụ Hồ. Trang trại của ông thi là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, ông xứng đáng là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo"./.