Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt với tấm bằng cử nhân Kinh tế, có công việc ổn định, mức lương khá tại Hà Nội và Hà Tĩnh, thế nhưng anh Trần Thanh Nhàn lại bỏ về quê để lập nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

1-1651043679.jpeg
Anh Trần Thanh Nhàn, trú tại xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã gác lại tấm bằng cử nhân kinh tế về quê nuôi gà, thành công không tưởng. Ảnh: PV

Anh Trần Thanh Nhàn, chia sẻ: "Khi quyết định bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê nuôi gà, người thân và bạn bè tôi phản đối kịch liệt. Công việc có thu nhập ổn định mà quyết tâm trở về quê nuôi gà, lúc đó tôi không dám chắc là mình sẽ thành công.

Thời điểm đó tôi có mức lương 12 triệu đồng/tháng, tuy không quá cao nhưng đó là thu nhập mà nhiều người mơ ước. Ra trường, làm việc tại thành phố hơn 5 năm nhưng anh Nhàn thấy không được thoải mái, vì nhiều áp lực...

2-1651043707.jpeg
Đàn gà của gia đình anh Trần Thanh Nhàn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: PV

"Xa xứ nhiều năm, tôi luôn muốn trở về quê hương để lập nghiệp. Qua tìm hiểu, nhận thấy giống gà ri Hòa Bình có sức đề kháng cao, thịt ngon và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên tôi đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi gà để phát triển kinh tế" - anh Nhàn Tâm sự.

Dám nghĩ dám làm, năm 2016 sau khi cưới vợ, anh Trần Thanh Nhàn đã dùng 100 triệu tiền mừng cưới và vay mượn thêm gia đình, bạn bè 700 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn để khởi nghiệp.

3-1651043733.jpeg
Theo anh Trần Thanh Nhàn, nuôi gà ri truyền thống hiệu quả kinh tế không cao vì vậy muốn làm giàu từ gà ri thì phải nuôi nhốt. Ảnh: PV

"Lúc đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi giống gà ri Hòa Bình. Trong 2 năm đầu nuôi, gà thường xuyên bị bệnh, không phát triển dẫn đến chất lượng gà không đạt như kỳ vọng khiến tôi thua lỗ hơn 200 triệu đồng. Nhiều khi tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại mình đã hi sinh vì nó quá lớn nên phải theo đuổi đến cùng" - anh Nhàn nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp.

Với ý chí kiên cường, không ngại khó khăn và tinh thần ham học hỏi, trang trại gà của anh Trần Thanh Nhàn đã đi vào hoạt động ổn định, thành công ngoài mong đợi.

Hiện nay, trang trại nuôi gà ri Hòa Bình của anh Nhàn có quy mô chuồng rộng 2.400m2, nuôi 6 lứa gà/năm (quy mô 10.000 con/lứa). Mỗi năm, anh Nhàn cho ra thị trường khoảng 48 tấn gà ri thương phẩm, thu về khoảng 2.4 tỷ/năm, sau khi trừ mọi chi phí anh còn bỏ túi nửa tỷ đồng/năm.

5-1651043784.jpeg
Anh Nhàn bật mí, nuôi gà ri nuôi nhốt hiện nay đang là một mô hình phổ khá phổ biến và cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: PV

"Giống gà ri này thường mắc các loại bệnh liên quan đến đường ruột và hen gà nên thường xuyên quan sát để nhanh chóng phát hiện và điều trị. Để hạn chế tối đa mầm bệnh, khâu vệ sinh chuồng trại đóng vai trò hết sức quan trọng. Mỗi tuần tôi phải vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại 1 lần"- anh Nhàn bật mí.

6-1651043809.jpeg
Nuôi gà ri Hòa Bình theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống. Ảnh: PV

Anh Nhàn chia sẻ, hàng ngày tôi ra kiểm tra, thăm chuồng trại và cho gà ăn 4 lần. Được làm công việc mình thích tuy vất vả một chút nhưng tôi rất vui. Đến thời điểm hiện tại, tôi thấy lựa chọn trước đây có chút mạo hiểm nhưng tôi đã đúng khi theo đuổi nó đến cùng.

7-1651043837.jpeg
Việc nuôi gà ri cho lợi nhuận cao, sắp tới anh sẽ mở rộng mô hình nuôi gà ở khu vực vườn nhà anh. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Thái Phượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đánh giá: " Anh Trần Thanh Nhàn là một người trẻ, có công việc ổn định ở thành phố nhưng chịu về quê để phát triển kinh tế, làm giàu quê hương là điều rất tốt. Anh Nhàn là người táo bạo, dám nghĩ dám làm nên trang trại của anh ấy hoạt động tốt, mang lại thu nhập cao"./.