Theo phản ánh của chị T.T.P.N (ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh), vừa qua, vợ chồng chị thỏa thuận làm đơn ly hôn gửi TAND TP Hà Tĩnh.

Trong hồ sơ gửi tòa án có đầy đủ hồ sơ kèm theo như hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, căn cước công dân và các thông tin về địa chỉ thường trú.

img-bgt-2021-643ab8ce2cf6e4a8bde7-1636101426-width1024height640-1636428506.jpg
Trụ sở TAND TP Hà Tĩnh.

Đến ngày 8/9/2021, chồng chị N. nhắn chị chiều ngày 9/9/2021 đến TAND TP để giải quyết. Tuy nhiên chị N. không đến vì không phải tòa triệu tập.

Sau đó, bà Trương Thị Thuý Hằng, Thư ký TAND TP Hà Tĩnh có gọi điện thoại trực tiếp cho chị N. và chị có giải thích: “Tôi không nhận được cuộc gọi hay giấy triệu tập của tòa án nên tôi không đi”.

Ít ngày sau đó, bà Hằng gọi điện cho chị hẹn đến giải quyết lần 1 và chị chấp hành đến làm việc xong lần 1.

“Đến ngày 13/10/2021, bà Hằng gọi tôi đến giải quyết lần 2, tôi bảo bận chưa đến được. Ngày 15/10 bà Hằng gọi tiếp, tôi bảo tuần lễ tôn vinh phụ nữ tôi không đi. Ngày 18/10, bà Hằng gọi tiếp, tôi trả lời tòa làm đúng theo quy định của pháp luật đừng gọi làm phiền tôi (ý của tôi trả lời với chị Hằng là phải có giấy triệu tập đúng quy định chứ không phải muốn gọi triệu tập tôi lúc nào thì gọi)”, chị N. viết trong đơn.

Đến ngày 2/11/2021, chị N. bất ngờ khi một cán bộ của TAND TP Hà Tĩnh đến hỏi chị khắp cơ quan để đưa giấy triệu tập.

Xấu hổ với đồng nghiệp trước cách làm việc lạ lùng của tòa, chị N. từ chối vì đây là nơi cơ quan làm việc chứ không phải nơi giải quyết việc riêng gia đình hay cá nhân.

Ngay sáng hôm sau (3/11/2011), chị N. nhận được giấy triệu tập yêu cầu chiều 3/11/2021, có mặt tại TAND TP để giải quyết. Ngoài bì thư có đề "kính gửi lãnh đạo công ty....", nơi chị N. công tác.

Theo chị N., chuyện hôn nhân là chuyện riêng tư của cá nhân và gia đình chị, tuy nhiên TAND TP “bêu” lên cơ quan làm việc khiến chị bị sốc.

img-bgt-2021-b7ae712ee4162c487507-1636101922-width1024height694-1636428552.jpg
Đơn triệu tập được TAND TP Hà Tĩnh gửi cho lãnh đạo công ty nơi chị N. làm việc.

Trong khi đó, bà Trương Thị Thúy Hằng, Thư ký TAND TP Hà Tĩnh xác nhận có chuyện cử cán bộ lên cơ quan chị N. để đưa giấy triệu tập và sau đó gửi giấy triệu tập cho lãnh đạo cơ quan chị N.

Theo bà Hằng, trước đó bà có gọi cho chị N. nhiều lần nhưng chị N. không lên làm việc. Còn hồ sơ của chị N. thì chỉ có địa chỉ tổ dân phố chứ không cụ thể số nhà, tên đường.

“Cả chị N. và chồng đều thỏa thuận làm đơn ly hôn, tòa triệu tập lên làm việc hòa giải mong hàn gắn gia đình. Sau khi người chồng có đơn đề nghị tòa triệu tập chị N. theo địa chỉ cơ quan nên tòa thực hiện theo. Đây là chuyện bình thường mà chị N. cứ làm to chuyện lên”, bà Hằng nói.

Trong khi đó, ông Trần Đức Chính, Chánh án TAND TP Hà Tĩnh đề nghị PV để lại câu hỏi để được tòa trả lời bằng văn bản.

Tòa đúng hay sai?

Liên quan vụ việc trên, một luật sư tại Nghệ An cho biết, việc TAND TP Hà Tĩnh gửi giấy triệu tập lên cơ quan chị N. là không sai.

Theo quy định, tòa có quyền gửi giấy triệu tập đến nơi cư trú thường xuyên hoặc cơ quan làm việc. Trước đó, chị N. đã đến làm việc lần thứ nhất, sau đó đại diện tòa án có gọi điện và cử cán bộ lên cơ quan để gửi giấy triệu tập nhưng chị N. không nhận nên tòa có quyền gửi giấy triệu tập lên cơ quan để tống đạt quyết định triệu tập.

Nếu không thực hiện được tống đạt thì người tống đạt phải lập biên bản có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định.

"Tuy nhiên, đây là vụ án ly hôn, rất nhạy cảm, dễ khiến người trong cuộc bị tổn thương, đặc biệt là đối với phụ nữ. Có thể trong quá trình đưa giấy triệu tập, cán bộ tòa án chưa tế nhị nên gây bức xúc", luật sư nói.

Một luật sư tại Hà Nội cũng cho biết, việc tòa gửi giấy triệu tập lên cơ quan là không sai, trừ trường hợp chị N. đã chính thức nghỉ việc ở cơ quan trước khi xảy ra việc ly hôn./.