Các địa phương được phát hiện có số trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục trong đợt này là: xã Ngọc Sơn và Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà và tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh; Bệnh lở mồm long móng xuất hiên ở phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) và xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh). Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục phát sinh lây lan dịch bệnh cho nhiều địa phương trong thời gian tới là rất cao.

88-1681101532.jpg
Lãnh đạo huyện Thạch Hà kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại xã Ngọc Sơn

Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp – Trưởng Phòng Quản lý Thú y – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, cụ thể: Ngày 24/3, tại xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) người dân phát hiện một số con bê có hiện tượng viêm da nổi cục. Ngày 25/3 tại xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà) cũng phát hiện một số con bê bị viêm da nổi cục. Ngay sau đó, cán bộ thú y đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Đến nay, tại 2 xã Ngọc Sơn và Thạch Ngọc đã có 25 con bê, bò của 22 hộ dân bị bệnh này. Trong đó, đã có 2 con bê ở xã Ngọc Sơn bị chết.

Đến ngày 2/4, tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh cũng phát hiện có 1 con bê bị bệnh viêm da nổi cục. Sau khi phát hiện dịch bệnh này, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương và người dân đã tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăm sóc đàn bê bị mắc bệnh và tổ chức tiêm phòng bao vây chống dịch.

r-1681101560.jpg
Trong đợt dịch này, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện nhiều ở đàn bê con

Cũng theo bà Diệp, ngoài bệnh viên da nổi cục, ngày 26 và 27/3 vừa qua, ở phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) và xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh) đã xuất hiện bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu bò với 12 con trâu bò mắc bệnh. Sau khi phát hiện, ngành chuyên môn đã hướng dẫn người dân chăm sóc, xử lý các vết thương cho trâu bò. Với bệnh này, hiện vẫn chưa có vaccine để điều trị cho gia súc.

Bà Diệp cũng cho hay, hiện nay thời tiết chuyển mùa nên rất dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Bởi vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc tốt và đặc biệt là tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm.

Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 235.000 con trâu, bò. Trong đó, đàn trâu là 70.000 con. Năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh có gần 3.000 con trâu bò chết vì bệnh viêm da nổi cục, gây thiệt hạ rất lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Xác định những thiệt hại sẽ là rất lớn nếu những loại dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát. Vì vậy, vấn đề đặt ra trước tiên chính là những hộ chăn nuôi trâu bò cần nêu cao tình thần trách nhiệm trong việc chăm sóc, quản lý đàn trâu bò của gia đình mình, khi phát sinh hộ có đàn trâu bò bị dịch bệnh, phải báo ngay thú y địa phương.

Về phía chính quyền các địa phương, cần tăng cường giám sát giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; Quản lý chặt chẽ số bò mắc bệnh; hướng dẫn nuôi cách ly những con ốm ra khu vực riêng; tổ chức tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho toàn đàn trâu, bò của địa phương, đảm bảo đạt tỷ lệ 100% trong diện cần phải tiêm; Thực hiện chốt chặn, ngăn cản việc mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò trong vùng dịch. Phun thuốc khử trùng tiêu độc, thuốc diệt các loại côn trùng để hạn chế các vật chủ trung gian truyền bệnh.

Trường hợp bò mắc bệnh nặng, chết phải tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh.

Theo Nguyễn Hoàn - nhachannuoi.vn